Lệnh cấm vận này được cho rằng đã làm tổn hại tới khả năng hoàn thành các chương trình sắp tới của ULA.
United Launch Alliance (ULA) là một liên doanh giữa hai ông lớn trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ là Lockhees Martin và Boeing. ULA thường được chính phủ Mỹ ký hợp đồng để phóng các vệ tinh an ninh quốc gia vào quỹ đạo.
Hôm qua, United Launch Alliance đã tạo áp lực trực tiếp lên quốc hội khi tuyên bố rằng, hãng sẽ không còn sử dụng tên lửa Delta IV có động cơ do Mỹ chế tạo, thay vào đó chỉ sử dụng tên lửa Atlas V, có động cơ RD-180 do Nga sản xuất.
Trước đó, ngày 12/12/2014, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự toán ngân sách quốc phòng bổ sung trong năm tài khoá 2015, trong đó có quy định cấm mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga lắp trên tên lửa đẩy Atlas-V (thường được dùng để phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo).
Đây là lệnh cấm vận nhằm bảo vệ các chương trình không gian của Mỹ trước mối lo ngại về bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine.
Như một phần của lệnh cấm, quốc hội Mỹ yêu cầu động cơ cho tên lửa Atlas-V, động cơ chính cho việc tiến vào không gian của quân đội và các chương trình an ninh quốc gia khác của Mỹ, phải được thay thế cho tới năm 2019, khi mà kho dự trữ động cơ Nga của ULA được dùng cạn.
Có thể nói, quyết định không sử dụng tên lửa đẩy Delta IV là một bước đi khôn ngoan của ULA nhằm buộc quốc hội Mỹ phải xem xét lại lệnh cấm đối với động cơ tên lửa đẩy RD-180.
ULA không hề đơn độc trong việc “chống lại” lệnh cấm vấn này của Mỹ. Trước đó, trong tháng 1/2015, công ty hàng không Mỹ là Orbital Sviences cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với hãng sản xuất tên lửa Energia của Nga. Theo đó, Energia sẽ có trách nhiệm cung cấp 60 động cơ tên lửa RD-181 cho công ty này trong thời gian tới.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ, bà Deborah Lee James trong một phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ đã phát biểu rằng: “Đây là vấn đề về công nghệ tên lửa. Đó là một lĩnh cực công nghệ khó khăn, chính bởi vậy hạn mức đến năm 2019 thật khó có thể chấp nhận. Tôi không chắc chúng ta có thể làm được hay không”.