Muôn kiểu lừa đảo online trong dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Mời đầu tư sản xuất vắc-xin, app vay tiền, giả mạo bác sỹ điều trị… là những thủ đoạn lừa đảo trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Người dân tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Người dân tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Nhiều chiêu “lùa gà”

Từ tháng 7/2021, trên các hội nhóm mạng xã hội như Zalo, Telegram, Facebook… xuất hiện ứng dụng có tên R383 kêu gọi đầu tư vào sản xuất các gói vắc-xin, trang thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… với lợi nhuận khá lớn.

Ví dụ, nếu đầu tư vào gói “Vắc-xin Vacuna”, số tiền ít nhất là 310.000 đồng/lần. Người chơi sẽ thu lãi 7% mỗi ngày và chỉ được chơi trong 1 ngày. Hoặc như gói đầu tư “Vắc-xin Pfizer BiNtech” yêu cầu số tiền tối thiểu 1,2 triệu đồng, người chơi sẽ nhận lãi 8,4% mỗi ngày và được chơi trong 10 ngày. Ứng dụng hứa hẹn trả lãi vào 15h mỗi ngày và trả toàn bộ số tiền gốc khi hết thời gian “chơi”. Những ngày đầu tiên, nạn nhân đều đặn nhận được lãi, vài ngày sau họ nạp tiền vào không được nhận lãi mà còn không thể rút gốc ra.

Cũng lừa đảo qua app là trường hợp của VPBank khi phát hiện app VAY TOT credit tự mạo danh là app vay tiền của VPBank. Thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian là gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỷ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào link 3iv.cc/Dny5Ddeswmdg để đăng ký vay 70 triệu đồng. Kẻ gian sẽ liên hệ với khách hàng qua số điện thoại cá nhân trên Zalo yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt, sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản của khách hàng.

VPBank khẳng định, ngân hàng này không có dịch vụ cho vay tiền qua app VAY TOT Credit. Đây là quảng cáo giả mạo. Các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo nào.

Bên cạnh hình thức nêu trên, phổ biến trong thời gian qua là việc giả mạo bác sỹ điều trị để yêu cầu nạn nhân trả tiền chữa bệnh hoặc tiền thuốc. Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã cảnh báo người dân về tình trạng giả mạo nhân viên y tế của Bệnh viện. Kẻ mạo danh đã sử dụng đầu số điện thoại lạ, tự nhận là bác sỹ tư vấn sức khỏe, khuyến cáo người bệnh không đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách. Chúng khuyên người bệnh nên tự mua thuốc uống tại nhà, hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại các nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để “bác sỹ” mua thuốc gửi về nhà cho người bệnh…

Làm gì để phòng lừa đảo?

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) vừa phát đi cảnh báo về việc sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Hoặc đối tượng lừa đảo tranh thủ tâm lý giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện giả do chúng lập ra.

Cùng với đó, lợi dụng tâm lý lo sợ lây nhiễm Covid-19, đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus, tuyên truyền các phương thuốc chưa được kiểm chứng.

Các đối tượng còn tạo lập những website bán hàng trực tuyến bán vật tư y tế như khẩu trang và nước rửa tay. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo không giao hàng và ngắt liên lạc với nạn nhân.

“Khi Chính phủ đưa ra các gói kích cầu và bắt đầu hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thì rủi ro lừa đảo gian lận có khả năng tiếp tục tăng cao. Các hình thức lừa đảo gian lận thay đổi liên tục khiến cho việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu từ khách hàng của các tổ chức tài chính bị quá tải”, đại diện KPMG nhận định.

Ông Tatyana Shcherbakova, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky cũng cảnh báo: “Tội phạm mạng đang tích cực sử dụng Covid-19 để giăng bẫy nạn nhân. Khi chương trình tiêm chủng được triển khai, những kẻ gửi thư rác đã dùng quy trình này làm mồi nhử. Người dùng nên cảnh giác với những lời đề nghị trên mạng để tránh mất dữ liệu, tiền bạc”.

Theo ông Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), người dân tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng. Không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...

Cơ quan chức năng khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật 2 lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng và chuyển tiền cho các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dùng Internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ sau:

1. Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an TP. Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo.

2. Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

3. Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục