Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, kết quả điều tra năm 2013.
Mục tiêu của báo cáo là hướng tới tăng cường việc sử dụng công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài ở mỗi doanh nghiệp, từ đó xác định sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp nói riêng, cũng như ở cấp độ quốc gia nói chung.
Với mục tiêu này, CIEM đã phối hợp với các đối tác tiến hành khảo sát, phân tích và đưa ra số liệu nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề nâng cao năng lực công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó đại sứ Đan Mạch Christain Brix Moller nhận định, những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức mới để có thể củng cố và nâng cao khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Chính vì vậy, theo ông Moller, việc tiếp nhận, sử dụng công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu.
Đánh giá về thực trạng tiếp cận và chuyển giao công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam, các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cho rằng, kết quả tiếp nhận và chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, nhất là đối với khu vực kinh tế dân doanh, thể hiện ở việc chủ yếu nhận chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị trong nước.
Trong khi đó, việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, cho doanh nghiệp trong nước diễn ra chậm, chưa đạt kết quả như mong muốn.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách và khuyến khích việc chủ động thực hiện chuyển gia công nghệ giữa các doanh nghiệp, với sự định hướng từ các cấp; từ quốc gia đến địa phương cũng như giữa từng doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.
“Các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ để có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu cho doanh nghiệp một cách hiệu quả như trợ cấp, giảm thuế cũng như có những can thiệp về pháp luật về bảo hộ sáng chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến hoạt động nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, GS. Finn thuộc trường ĐH Copenhagen nhấn mạnh.
Cũng theo ông Finn, mục tiêu thu hút FDI không chỉ là tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, mà còn kỳ vọng đẩy mạnh chuyển giao công nghệ đối với các DN trong nước thông qua liên kết chuỗi giữa DN FDI và DN nội địa, nhằm thức đẩy sản xuất nói chung, nhưng tác động lan tỏa không diễn ra như mong đợi. Đây là yếu tố đáng quan ngại mà các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu để có những chính sách phù hợp khuyến khích và tác động các DN ở thượng nguồn để có sự lan tỏa tốt nhất. Theo đó, tận dụng và khai thác tốt nhất tác động từ việc chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước.