Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay thấp hơn khá nhiều so với kịch bản đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (4,8% so với 5,12%), nhưng PGS-TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vẫn cho rằng, mức tăng trưởng này là quá ấn tượng.
Liệu có thể coi là ấn tượng khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I còn khoảng cách khá xa so với kịch bản đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và cũng tăng không nhiều so với cùng kỳ năm 2020, thưa ông?
Tôi cho rằng, mức tăng trưởng 4,48% là tích cực, nếu không muốn nói là ấn tượng.
Trước hết, quý I/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà khí thế hừng hực của năm 2019 với tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 7,02%, nhưng quý I/2020 cũng chỉ tăng 3,68%. Còn quý I/2021 ngược lại, đứng trên sự khó khăn “vô tiền khoáng hậu”, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt thấp nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa, hội nhập (tăng 2,92%), nhưng vẫn tăng cao hơn năm ngoái.
Thứ hai, nếu gần như cả quý I/2020, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, thì cả quý I năm nay, cả nước vừa sản xuất, kinh doanh vừa lo ngay ngáy dịch bệnh.
Thứ ba, khác với mọi năm, năm 2021 được “kế thừa” toàn bộ khó khăn, thách thức từ các năm trước, ngoài hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ - Trung chưa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”; biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu trên toàn cầu suy thoái mạnh nhất kể từ rất nhiều năm nay, còn chịu tác động khốc liệt của dịch bệnh.
Với những yếu tố này, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo, quý I năm nay, Việt Nam tăng trưởng dương có thể chấp nhận được. Vì vậy, GDP tăng 4,8% phải nói là ấn tượng, là kỳ tích.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2020 thấp là do khu vực nông nghiệp hầu như không tăng trưởng vì thiên tai, thời tiết, dịch tả lợn châu Phi; còn năm nay lại tăng tới 3,16% do thời tiết thuận lợi, được mùa, được cả giá. Như vậy, nếu không tính lĩnh vực nông nghiệp, GDP quý I năm nay có ấn tượng?
Đúng là năm nay nông nghiệp có đóng góp nhất định vào tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng không nhiều vì khu vực này chỉ chiếm 11,71% trong cơ cấu GDP, nên dù tăng trưởng 3,16%, thì cũng chỉ đóng góp vào mức tăng trưởng chung 8,34%. Vì vậy, ngay cả không tính khu vực nông nghiệp, thì tăng trưởng năm nay cũng rất ấn tượng.
Đó là sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế trong nhiều năm qua. Quý I/2021, ngành này tăng 9,45% - cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,12% của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm mà hoạt động giao thương, đi lại trên thế giới vẫn gần như bình thường. Điều này đã tạo đà cho kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 24%.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý I năm nay lại đạt 77,34 tỷ USD, tăng tới 22%, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm nay chỉ là phấn đấu tăng 4-5%. Một điểm nữa là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã phục hồi khi tăng 18,5%. Tất cả đều là những con số ấn tượng và ít ai ngờ tới.
Với đà này, quý II chắc chắn tăng trưởng sẽ rất cao?
Chỉ cần giữ được nhịp độ, thì tốc độ tăng trưởng quý II/2021 ít nhất cũng phải 7-8%, vì tăng trưởng kinh tế là so với cùng kỳ. Năm 2020, GDP quý II chỉ tăng 0,39% - mức tăng thấp nhất trong lịch sử. Nếu tử số không thay đổi mà mẫu số giảm, thì theo logic toán học, hệ số sẽ tăng.
Việc GDP quý II tăng trưởng rất cao không có gì lạ, khi các định chế tài chính thế giới đều dự báo, năm 2021 kinh tế thế giới tăng 4-5%, thậm chí có dự báo tăng trên 6%. Thực ra, đây chỉ là sự phục hồi sau khi kinh tế thế giới giảm trên 4% vào năm ngoái.
Nhưng để cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 6% như kế hoạch, hay 6,5% như mục tiêu đặt ra chắc là rất khó khăn vì cả ba “mã” trong “cỗ xe tam mã” đang có dấu hiệu đuối sức?
Nhìn sơ qua thì thấy như vậy, song cần phải phân tích kỹ.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại thế giới đang gặp khó khăn rất hy hữu là thiếu container khiến chi phí vận tải tăng. Với Việt Nam, đây chỉ là khó khăn cục bộ với một số nhóm hàng đông lạnh, tươi sống, lương thực, thực phẩm, cần bảo quản đặc biệt trong quá trình vận chuyển, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này chiếm tỷ trọng không lớn; còn các mặt hàng khác như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại và linh kiện… không gặp phải trở ngại này, nên tốc độ tăng trưởng năm nay chắc chắn sẽ vượt xa mục tiêu đặt ra.
Nguồn lực đầu tư công năm 2021 vẫn cao hơn năm 2020, dù không nhiều, nhưng còn nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-200 chưa giải ngân hết tiếp tục được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021.
Người dân đã quen với việc “sống chung” với Covid-19, không có chuyện phong tỏa toàn xã hội, nên nhu cầu tiêu dùng, cả tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng đầu vào cho sản xuất - kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt, du lịch nội địa sẽ tăng tốc vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, sẽ là đòn bẩy giúp tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ.