Bức tranh kinh tế quý I: Gam màu sáng vẫn “thắng thế”
Bức tranh kinh tế quý I/2021 cuối cùng đã được vẽ lên với những gam màu sáng vẫn là chủ đạo.
“Đọc báo cáo, nhưng thấy không quá ‘sốt ruột’, ‘không nóng lắm’, vẫn thấy những điểm sáng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021. Điều đó đã cho thấy, diễn biến của nền kinh tế đã không “xấu” như lo ngại, mà vẫn có những dấu hiệu tích cực.
Dấu hiệu tích cực đó có thể nhận thấy đầu tiên ở tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 vẫn ước tính đạt 4,48%. Con số này tuy thấp hơn kịch bản tăng trưởng được đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (5,12%), song cao hơn so với mức tăng trưởng 3,68% của quý I/2020 và cũng cao hơn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tháng trước, báo cáo Chính phủ, ngay sau khi Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong trường hợp Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, thì ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Nếu so với mức tăng trưởng 4,48% hiện tại, thì về cơ bản, nền kinh tế đang đi đúng với dự báo.
“Kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nói như vậy.
Không chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP, mà nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng đang cho thấy những điểm sáng của nền kinh tế. Chẳng hạn, tăng trưởng của ngành nông nghiệp tăng 3,19%, một mức tăng khá, chỉ thấp hơn mức tăng của các quý I các năm 2011 và 2018. Hay tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng đạt 6,5%, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020. Ngành dịch vụ tuy còn khó khăn, nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,34%.
Như thường lệ, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho là điểm sáng của nền kinh tế. Theo ông Thúy thì sự xuất hiện của nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực tới sản xuất công nghiệp, tới xuất nhập khẩu của nền kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1%, trong đó riêng xuất khẩu đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%. Nhập khẩu cũng đã tăng trở lại, nhất là đối với nhóm hàng tư liệu sản xuất. Điều đó cho thấy, sản xuất đang phục hồi trở lại, chuỗi cung ứng cũng đã được nối lại.
Đặc biệt, thu ngân sách đến giữa tháng 3/2021 đã đạt trên 320.000 tỷ đồng, trong khi chỉ chi trên 264.000 tỷ đồng. Sự hồi phục của các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính là lý do cơ bản khiến thu - chi ngân sách có chuyển biến tốt.
Áp lực những quý cuối năm
Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đã được ghi nhận tích cực trong quý I/2021. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng, vẫn còn những điểm cần lưu ý.
Chẳng hạn, tiêu dùng nội địa vẫn tăng ở mức thấp. Cụ thể, quý I, chỉ số này chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,42%. “Sức mua tăng cao sẽ là động lực cho sản xuất - kinh doanh. Còn như hiện tại, sức mua chưa hồi phục hoàn toàn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thừa nhận.
Tiêu dùng dân cư chưa hồi phục, trong khi tiêu dùng của Chính phủ thông qua các dự án đầu tư công năm nay sẽ không còn nhiều như năm 2020. Khi tiền đổ vào nền kinh tế sẽ không “mạnh” như năm ngoái, thì sẽ khó tạo nên động lực lớn cho nền kinh tế.
Đề cập vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân đã nhắc tới việc “nhìn trước, ngó sau” chưa thấy được các dự án đầu tư lớn dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay để tăng thêm năng lực cho nền kinh tế. “Động lực tăng trưởng chưa thật sự rõ nét”, ông Lê Đình Ân lo ngại.
Động lực tăng trưởng chưa rõ ràng, trong khi để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5%, thì áp lực đang đặt vào những quý cuối năm. “Từ giờ đến cuối năm, phải có những quý đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%, thì mới đủ bù đắp cho mức tăng trưởng thấp của quý I”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Thực tế, khi cập nhật kịch bản kinh tế sau khi Covid-19 xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tính toán rằng, để nền kinh tế về đích 6,5%, quý II cần tăng trưởng 7,11%, quý III là 6,73%, còn quý IV là 7,04%. Đây là những con số không dễ đạt được.
Khá lạc quan, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định, quý II/2020, GDP có thể tăng trưởng 7,11% và 6 tháng đầu năm đạt 5,92%.
Dự báo của các định chế quốc tế cũng cho thấy những con số tích cực. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) cách đây ít ngày cho rằng, Việt Nam sẽ hồi phục theo hình chữ V và sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm nay nhờ những bước đi quyết liệt trong lĩnh vực kinh tế và y tế.
Dự báo lạc quan như vậy, song rõ ràng, còn rất nhiều việc Việt Nam phải làm để có thể đạt được mục tiêu kép, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn.
“Các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện”, IMF đã bày tỏ quan điểm, đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần tiến hành cải cách quyết liệt hơn để tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng to lớn.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu quý I/2021
Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 4,48%
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 5,7%
Số doanh nghiệp thành lập mới: 29.300 doanh nghiệp
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 5,1%
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 6,3%
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 22%
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 26,3%