Mức định giá chưa hấp dẫn dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Hai phiên giao dịch cuối tuần qua, dưới áp lực giảm điểm của thị trường Mỹ sau thông tin về chủ trương ít cắt giảm lãi suất của Fed, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị thử thách mạnh mẽ.
Dòng tiền lớn thận trọng trong bối cảnh định giá thị trường chưa đủ hấp dẫn Dòng tiền lớn thận trọng trong bối cảnh định giá thị trường chưa đủ hấp dẫn

Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, định giá P/E của thị trường chứng khoán đang ở mức 12 lần, tương đối thấp trong 5 năm qua. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 20% và năm 2025 tăng 20 - 25% thì chỉ số PEG (đo lường P/E so với tốc độ tăng trưởng EPS) đang dưới 1, chứng tỏ định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Theo một báo cáo của FiinTrade, cuối tháng 11/2024, P/E thị trường ở vùng thấp so với trung bình giai đoạn kể từ năm 2015 là 13,2 lần, cũng như so với trung bình nhóm phi tài chính là 18,3 lần và ngân hàng là 9,3 lần. Tuy nhiên, nếu nhìn từng nhóm ngành thì mặt bằng định giá theo P/E là tương đương, hoặc cao hơn trung bình 5 năm.

Hiện tại, VN-Index và mặt bằng giá cổ phiếu tương đương thời điểm cuối tháng 11. Một thành viên trong nhóm quản lý quỹ đầu tư A trị giá 2 tỷ USD nhận xét, định giá thị trường không phải quá đắt, nhưng cũng không phải là rẻ.

“Thị trường lình xình phản ánh định giá chưa đủ hấp dẫn dòng tiền”, vị này nói.

Trong khi đó, có những kênh đầu tư cạnh tranh với kênh chứng khoán là bất động sản, vàng, tiền số. Vốn nước ngoài từ đầu năm 2024 đến nay rút ra 3,1 tỷ USD do chênh lệch lãi suất VND và USD, cũng như xu hướng dòng vốn chảy về thị trường Mỹ.

Hai phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán chịu áp lực giảm điểm do ảnh hưởng bởi thị trường Mỹ giảm mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chủ trương sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025 so với kế hoạch là 4 lần trước đó. Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng cao sau công bố này của Fed. Tỷ giá được đánh giá là áp lực lớn với thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Đáng lưu ý, chính sách thuế của Mỹ dưới thời “Trump 2.0” dành cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đang là ẩn số lớn.

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), với kịch bản tác động trung bình, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp 60% thuế suất đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 10 - 20% đối với các quốc gia khác (trừ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ), tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm tốc xuống 9,5% và 8,6% trong năm 2026 và 2027.

Trong kịch bản tích cực, ông Trump áp 60% thuế suất với hàng hóa Trung Quốc và không áp thuế các quốc gia khác, hoặc miễn thuế suất toàn cầu 10 - 20% cho một số quốc gia (bao gồm Việt Nam), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng 13% và 11,6% trong năm 2026 và 2027.

Trong kịch bản tiêu cực, ông Trump áp 60% thuế suất với hàng hóa Trung Quốc và áp thuế bổ sung đặc biệt lên Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ tăng 4,3% và 4% trong năm 2026 và 2027.

Chuyên gia HSC đánh giá, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ tác động lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Phân tích chiến lược, VPBankS Research lưu ý, Trung Quốc, sau đó là Canada và Mexico, là đối tượng chính trong chính sách đánh thuế của Mỹ. Là một trong 3 quốc gia thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ, Việt Nam có thể gặp thách thức trong câu chuyện thuế quan năm 2025, dù không phải đối tượng chính. Tuy nhiên, kỳ vọng là ban đầu Mỹ đưa ra các tuyên bố cứng rắn để kéo các bên vào vòng đàm phán và đưa ra chương trình có lợi nhất cho nước Mỹ, chứ không hẳn sẽ thực thi như đã công bố.

Trong một cuộc thảo luận mới đây, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital chia sẻ, không có lý do gì để lo ngại rằng, ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029 sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế lành mạnh của Việt Nam. Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, bởi mức lương cao và sự khan hiếm công nhân nhà máy có tay nghề sẽ hạn chế nỗ lực của Mỹ trong việc đưa các công việc sản xuất trở về, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thặng dư thương mại với Mỹ của Việt Nam có thể được giải quyết bằng cách mua các sản phẩm trị giá cao như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và động cơ máy bay từ Mỹ.

Sau những kịch bản dự đoán của giới phân tích, các doanh nghiệp và đầu tư đang chờ đợi và chuẩn bị ứng phó với những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ với Việt Nam. Tác động đến mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp dự kiến sẽ rất khác nhau và khó dự báo. Vì thế, trong khi dòng tiền yếu và thị trường dự báo vẫn còn rung lắc trong quý I/2025, các khuyến nghị đầu tư chủ yếu dành cho nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường trong nước như đầu tư công, nguyên vật liệu xây dựng, bất động sản, bán lẻ.

Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục