Ngành chứng khoán, định giá không còn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần đây, nhiều nhận định từ giới phân tích cho rằng, định giá cổ phiếu ngành chứng khoán đã không còn rẻ. Việc lựa chọn nắm giữ mã nào, cần xem xét đặc điểm riêng của công ty chứng khoán.
Dòng tiền vào nhóm chứng khoán đang có dấu hiệu đạt đỉnh và giảm nhẹ Dòng tiền vào nhóm chứng khoán đang có dấu hiệu đạt đỉnh và giảm nhẹ

Nhìn từ trường hợp FTS và BSI…

Xét về định giá theo thị giá/giá trị sổ sách (P/B), phương pháp định giá cơ bản thường được áp dụng với doanh nghiệp tài chính như ngân hàng và dịch vụ tài chính - chứng khoán, FTS và BSI là hai mã đang có định giá cao nhất, nhất là khi nhìn tương quan với các công ty chứng khoán trong Top 10 công ty có thị phần môi giới cao nhất trên sàn HOSE năm 2023.

FTS (Công ty cổ phần Chứng khoán FPT) hiện đang giao dịch ở vùng giá trên 60.000 đồng/cổ phiếu, ngay cả sau khi Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) mua vào hơn 3 triệu cổ phiếu trong tuần từ 11 - 18/3/2024. Cụ thể, vào ngày 11/3/2024, khối ngoại mua ròng hơn 1 triệu cổ phiếu FTS và ngày 15/3, mua ròng hơn 2 triệu cổ phiếu. Trong thời gian này, nhóm cổ đông lớn của FTS là bà Nguyễn Thị Minh cùng hai con gái là Nguyễn Thị Thái Anh, Nguyễn Thị Thúy và con dâu Ngô Thị Thanh Nga đã bán ra khoảng 3 triệu cổ phiếu ở vùng giá đỉnh 62.000 - 64.000 đồng/cổ phiếu. Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng FTS cũng bán ra 216.000 cổ phiếu từ ngày 15/3.

Động thái giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn, hay bán ra của cổ đông nội bộ cũng phản ánh đánh giá về định giá cổ phiếu FTS. Ở mặt bằng giá này, P/E năm 2023 của FTS là gần 30 lần, P/B là 3,76 lần. Câu chuyện kỳ vọng khiến FTS tăng giá trước tiên là khoản đầu tư tài chính vào cổ phiếu niêm yết có giá vốn 14,3 tỷ đồng, đánh giá lại theo giá thị trường, chênh lệch 344 tỷ đồng so với giá vốn, tăng 31 tỷ đồng so với kỳ đánh giá trước.

Khi giá cổ phiếu FTS tăng cao, sau ngày 29/2, FTS đủ điều kiện để thêm vào danh mục của Quỹ VHM ETF, giá cổ phiếu tiếp tục bật tăng. Kể từ giữa tháng 3, khi việc mua vào của Quỹ ETF kết thúc, giá FTS vẫn duy trì ở vùng đỉnh, nhưng giới phân tích đều cho rằng, không tìm thấy lý do hợp lý cho vùng định giá cao gần bằng 4 lần giá trị sổ sách hiện nay của cổ phiếu này.

Cổ phiếu BSI của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV đang giao dịch ở vùng giá 64.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá P/B là 2,77 lần và P/E là 22 lần. Thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu BSI là lợi nhuận năm 2023 tăng 3,4 lần so với năm 2022, dù chưa hoàn thành kế hoạch. Ngoài ra là thông tin BSI và định chế tài chính Edmond de Rothschild - thành viên trong “hệ sinh thái” của gia tộc Rothschild đã ký kết thỏa thuận liên doanh góp vốn nhằm triển khai thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.

Tuy vậy, theo kế hoạch năm 2024 vừa được công bố trong tài liệu đại hội cổ đông, lợi nhuận trước thuế kế hoạch của BSI là 550 tỷ đồng, tăng 8% so với mức thực hiện năm 2023; cổ tức 2023 dự kiến là 10% bằng cổ phiếu. Như vậy, định giá BSI nhìn sang năm 2024 vẫn đang ở mức cao so với thị trường và nhóm ngành chứng khoán.

Nhìn lại số liệu năm 2021, khi nhóm ngành chứng khoán đạt đỉnh về định giá, thì BSI và FTS có định giá P/B gần 4 lần, nhưng vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp đầu ngành khác. Nhưng ở thời điểm này, cả hai mã đang có định giá P/B cao hơn hẳn các công ty có vị thế ngành tốt hơn.

Game tăng vốn bắt đầu

Ở mặt bằng giá hiện tại, P/E năm 2023 của FTS là gần 30 lần, P/B là 3,76 lần

Dữ liệu quá khứ cho thấy, phần lớn thời gian trong giai đoạn 2011 - 2021, nhóm ngành chứng khoán giao dịch trong mức định giá P/B từ 1 - 2 lần. Như vậy, nếu chỉ nhìn vào định giá P/B thì cổ phiếu chứng khoán hiện không còn ở vùng định giá hấp dẫn để đầu tư. Nhóm này có độ nhạy biến động giá cao trên thị trường và thường được đẩy lên vùng định giá cao trong thị trường đặc thù là dòng tiền chi phối. Bối cảnh tiền dồi dào, lãi suất xuống thấp kỷ lục, cộng với các thông tin tích cực về triển vọng nâng hạng thị trường giúp định giá nhóm chứng khoán tăng cao. Tiền rẻ và kỳ vọng cũng từng đẩy giá nhóm chứng khoán tăng cao thời điểm năm 2018 và năm 2021 lên mức P/B bình quân là 3 lần.

Việc các công ty chứng khoán đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng là một tín hiệu cho thấy các công ty chứng khoán tranh thủ sự hưng phấn của thị trường để huy động vốn. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán VCI cho biết, bên cạnh phương án tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%, Công ty đang đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với mức giá mong muốn tương đương thị giá trên sàn hiện nay.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (mã VDSC) cũng chuẩn bị trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên 3.240 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành riêng lẻ với giá không thấp hơn giá trị sổ sách. Công ty Chứng khoán SSI ngay từ cuối năm ngoái đã lên phương án phát hành thêm 453 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 19.645 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng 15% và chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phần…

Nâng hạng thị trường vẫn sẽ là câu chuyện hấp dẫn nhất trong trung hạn, hậu thuẫn cho nền giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giới phân tích cảnh báo, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu chứng khoán đang ở vùng đỉnh nhiều tuần qua.

Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Finn Group, tín hiệu kỹ thuật cho thấy, dòng tiền vào nhóm chứng khoán đã ở mức cao trong nhiều tháng và bắt đầu giảm nhẹ. Trong tháng 3, dòng tiền vào nhóm chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng cao trên thị trường nhưng lịch sử cho thấy khi dòng tiền duy trì ở vùng đỉnh khoảng 3 tuần hoặc đạt đỉnh của 10 tuần thì sẽ bắt đầu luân chuyển sang các nhóm ngành khác. Theo dấu hiệu này thì dự đoán có rủi ro dòng tiền rút ra khỏi nhóm chứng khoán để sang các nhóm ngành khác.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích đầu tư, Công ty cổ phần FIDT cho rằng, thông tin nâng hạng thị trường và vận hành hệ thống giao dịch mới KRX vẫn là câu chuyện khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán hấp dẫn. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu trong nhóm ngành này thời gian tới cần quan tâm đến yếu tố cơ bản và xem xét dòng tiền vào mã nào vì dòng tiền vào nhóm chứng khoán sẽ có sự phân hóa.

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục