Sự đồng thuận của nhóm vốn hóa lớn
Với 10/11 phiên giao dịch tăng điểm, VN-Index đã tăng 9,4% kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ hơn 900 điểm lên gần 1.000 điểm. Trong phiên 25/2, chỉ số từng đạt mức cao nhất là 999,9 điểm.
Diễn biến tích cực khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ, dù trước đó thị trường nhận được nhiều kỳ vọng về việc dòng tiền quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết và yếu tố chu kỳ của lịch sử ủng hộ cho kịch bản tăng của VN-Index.
Động thái chốt lời tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn sau đó khiến chỉ số chịu áp lực điều chỉnh, nhưng với tình hình thị trường hiện nay, phần lớn nhận định của các chuyên gia và công ty chứng khoán đều nghiêng về kịch bản chỉ số sẽ sớm chinh phục ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), 2 mã bứt phá mạnh nhất trong thời gian vừa qua là HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.
Biến động giá của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE từ 11/2 đến 25/2/2019.
Với 10/11 phiên tăng giá, gồm có 1 phiên tăng trần, thị giá DHG đã tăng 28,2% trong thời gian từ ngày 11/2 đến 25/2. Thậm chí, so với mức giá đáy gần 2 năm qua là 73.500 đồng/cổ phiếu đầu tháng 1/2019, tỷ lệ tăng giá lên đến 48%.
Diễn biến tích cực tại DHG cùng lúc với việc cổ đông lớn thứ hai là Taisho Pharmaceutical Co, Ltd đăng ký mua vào 952.200 cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 34,99% và ngay trong ngày đầu tiên được phép giao dịch (20/2), cổ đông này đã hoàn tất mua vào lượng đăng ký qua giao dịch thỏa thuận.
Cổ phiếu HPG cũng có 10/11 phiên tăng giá, thị giá tăng 27,5% trong hơn 2 tuần qua. Dù chỉ chiếm 2,3% vốn hóa sàn HOSE, nhưng HPG đóng góp tới 5,3% tổng mức tăng vốn hóa toàn sàn.
Trước đó, HPG công bố lợi nhuận quý IV/2018 suy giảm khiến thị giá mất đi 8,2% trong 4 phiên trước kỳ nghỉ Tết. Diễn biến giá HPG đã hoàn toàn đảo ngược sau khi thị trường trở lại giao dịch, với đóng góp từ việc khối ngoại trở lại mua ròng tích cực 20,7 triệu đơn vị, trị giá 649,6 tỷ đồng.
Thời gian qua, diễn biến giá HPG khá đồng pha với xu hướng mua/bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại, mỗi khi lực mua ròng tăng mạnh, thị giá diễn biến tích cực và ngược lại. Điều này được đánh giá là do lực mua/bán của khối ngoại chiếm từ 20 - 40% thanh khoản mỗi phiên, tác động đến cung/cầu cổ phiếu và tâm lý giao dịch của khối nhà đầu tư nội.
Không bứt phá mạnh mẽ về giá, nhưng nhóm cổ phiếu “họ Vin” bao gồm VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của Công ty cổ phần Vinhomes và VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail có đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số VN-Index.
Không bứt phá mạnh mẽ về giá, nhưng nhóm cổ phiếu “họ Vin” bao gồm VIC, VHM, VRE đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số.
Với các vị trí thứ 1, thứ 2 và thứ 11 về vốn hóa trong số các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, chiếm 23,3% tổng quy mô vốn hóa, 3 cổ phiếu “họ Vin” đã đóng góp 38,2% tổng mức tăng vốn hóa toàn sàn trong hơn 2 tuần qua.
Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu VCB của Vietcombank đạt mức tăng giá trên 12%, còn các cổ phiếu khác tăng giá không mạnh. Nhưng nhờ số lượng áp đảo với 9 cổ phiếu niêm yết, chiếm 22,1% vốn hóa toàn sàn, mức tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp 17,9% cho đà tăng của VN-Index.
Thống kê 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, có 26/30 mã tăng giá trong thời gian từ 11/2 đến 25/2, trong đó 13 mã đạt mức tăng 2 con số. Tổng mức tăng vốn hóa của Top 30 là 196.600 tỷ đồng, chiếm 95% mức tăng vốn hóa toàn sàn. Ngược lại, chỉ 4 cổ phiếu VJC, BVH, POW và BHN giảm giá, nhưng mức giảm không nhiều (xem bảng). Kết quả này cho thấy sự đồng thuận rất lớn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau Tết.
Một số cổ phiếu khác có đóng góp đáng kể vào mức tăng của chỉ số cũng như vốn hóa thị trường là VNM, với chuỗi tăng giá 11/11 phiên, giúp vốn hóa “vua sữa” tăng 12,2% và đóng góp 10,3% tổng mức tăng vốn hóa thị trường. Tương tự, “ông lớn” ngành khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng giá 12,7% và đóng góp 7,3% vào mức tăng chỉ số.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, sự đồng thuận không cao khi có 40,8% số cổ phiếu niêm yết trên HOSE đi ngang hoặc giảm giá trong giai đoạn thị trường bứt phá sau Tết. 32% cổ phiếu còn lại tăng giá dưới 5%.
10 cổ phiếu có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index từ 11/2 đến 25/2/2019.
So với mức tăng của VN-Index, toàn sàn có 41 mã cổ phiếu có mức tăng cao hơn (chiếm 2,9%), trong đó 1/3 thuộc nhóm 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất.
Triển vọng dòng tiền lan tỏa
Sau giai đoạn VN-Index giảm về vùng đáy 1 năm trong tháng 12/2018, thị trường đã có những diễn biến tích cực khi bước sang năm mới 2019. VN-Index tăng gần 4% trong thời gian giữa 2 kỳ nghỉ Tết (tết dương lịch và tết âm lịch) khi đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ từ mùa kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018, cùng tình hình kinh tế, chính trị thế giới giảm bớt những bất thường.
Tuy vậy, đà hồi phục trong thời gian này chưa được đánh giá vững chắc do dòng tiền chưa trở lại. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) trong tháng 1/2019 chỉ đạt 3.323 tỷ đồng/phiên, giảm 35,3% so với tháng 12/2018 và thấp hơn 49,5% so với bình quân cả năm 2018.
Trên sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 1/2019 chỉ đạt 2.671 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 50,8% so với bình quân của năm 2018 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017.
Nhưng sau Tết Nguyên đán, dòng tiền có tín hiệu trở lại tích cực. Tính riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân của 11 phiên sau Tết đạt 4.194 tỷ đồng, tăng 57% so với tháng trước, trong đó giao dịch khớp lệnh bình quân đạt 3.584 tỷ đồng/phiên.
Bên cạnh dòng tiền khối nội, dòng tiền khối ngoại cũng tăng cường mua ròng với giá trị đạt 2.375 tỷ đồng sau 11 phiên. Trong đó, phân nửa là thông qua giao dịch khớp lệnh, trở thành động lực tăng thanh khoản thị trường, giúp nâng đỡ niềm tin của nhà đầu tư trong nước.
Bản tin nhận định thị trường tuần từ 25/2 - 1/3/2019 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.
Mùa đại hội đồng cổ đông 2019 đang đến gần với những kỳ vọng về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức tích cực sau năm 2018 thành công, cùng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2019 tại nhiều doanh nghiệp. Những thông tin này dự báo sẽ là nền tảng hỗ trợ thị trường, ít nhất là đến hết tháng 4.
Sau giai đoạn tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dòng tiền được kỳ vọng sẽ lan tỏa sang nhóm vừa và nhỏ, tạo nên sự tăng giá đồng đều hơn, cũng như kích thích thêm dòng tiền mới gia nhập, khi mức định giá của nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng hấp dẫn, vùng thấp nhất trong 1 - 2 năm trở lại đây.
Tuy vậy, sự sàng lọc đã và đang diễn ra mạnh mẽ, dòng tiền được đánh giá sẽ chủ yếu tìm đến các doanh nghiệp có câu chuyện riêng nổi bật, các ngành được đánh giá là nhiều triển vọng trong năm nay như ngân hàng, dầu khí, bất động sản…