Hạn chế nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay liệu có khả thi?

(ĐTCK) Câu chuyện về việc áp dụng biểu phí giao dịch chứng khoán theo Thông tư 127 của Bộ Tài chính kể từ ngày 15/2/2019 đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau. Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu góc nhìn của một nhà đầu tư đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam về câu chuyện này.
Hạn chế nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay liệu có khả thi?

Đâu là phản ứng của thị trường?

Về nguyên tắc, việc áp phí giao dịch sẽ làm chi phí đầu tư tăng lên và là rào cản đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là điều không cần bàn cãi.

Thế nhưng, chỉ hai tuần sau khi mức phí theo Thông tư 127 được áp dụng, thanh khoản thị trường phái sinh đang tăng trở lại. Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai của ba ngày từ 25-27/2 đạt mức trung bình 130.000 hợp đồng/ngày, cao hơn gần 60% so với mức trung bình của tuần trước đó. Đâu là nguyên nhân?

Cần nhắc lại rằng, tại các thị trường chứng khoán phát triển, chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro khi tham gia đầu tư trên thị trường cơ sở. Nó là công cụ bình ổn và điều tiết thị trường cơ sở.

Xét trên khía cạnh này, khi thị trường cơ sở biến động theo hướng bất lợi thì đây là công cụ để nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro/giảm lỗ chứ không phải bán ngay chứng khoán cơ sở để cắt lỗ.

Giả sử nếu không có công cụ chứng khoán phái sinh thì nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn bán cắt lỗ trên thị trường cơ sở và vô hình chung tác động xấu hơn tới thị trường và gây áp lực bán ròng lớn.

Thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam hiện nay có sự tham gia rất hạn chế của nhà đầu tư tổ chức, có tới 99% khối lượng giao dịch thuộc về nhà đầu tư cá nhân.

Tại Hội thảo: “Vai trò và mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường cơ sở” diễn ra hồi tháng 9/2018, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX đã phải thừa nhận: “Mặc dù trên thị trường chứng khoán phái sinh vẫn chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhưng trong bối cảnh chung của thị trường cơ sở cũng phần lớn là nhà đầu tư cá nhân thì có thể nói đây đang là giai đoạn quá độ khó tránh khỏi”.

Ông Long cũng nói rằng: “Nhà đầu tư cá nhân chính là những người tạo ra thanh khoản cho thị trường. Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ thu hút được ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư tổ chức quan tâm”.

Đáng chú ý, ông Long cũng khẳng định, sự vận động và thanh khoản của thị trường hiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Thị trường chứng khoán phái sinh đã dần phát huy tốt 3 vai trò của mình là phòng ngừa rủi ro, giữ chân các dòng tiền trên thị trường chứng khoán và là công cụ đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn và bình ổn, điều tiết thị trường cơ sở.

Quan hệ giữa thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh

Chia sẻ về mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường cơ sở, tại Hội thảo: “Vai trò và mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường cơ sở”, ông Nguyễn Quang Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho rằng, thị trường chứng khoán phái sinh có tác động qua lại với thị trường cơ sở.

Ông Thương cho biết, tại một số thời điểm, khi khó tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cơ sơ, có thể có sự dịch chuyển vốn từ thị trường cổ phiếu sang thị trường chứng khoán phái sinh. Ông nói: “Nếu như trước đây chưa có thị trường chứng khoán phái sinh, vào những thời điểm thị trường giảm sâu, nhà đầu tư thường có xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường.

Hiện nay, nhà đầu tư sẽ chuyển sang chứng khoán phái sinh với hy vọng giá chứng khoán sẽ không giảm mãi và chờ đợi đến khi giá chứng khoán phục hồi”.

Trong bối cảnh thị trường xấu, chưa thấy rõ xu hướng, thì dù có biện pháp hạn chế hiện tượng đầu cơ trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng khó có thể thu hút được vốn về thị trường cơ sở.Đơn giản, đây là một dòng tiền thông minh.

Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, vấn đề đối với thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam hiện nay là sản phẩm hiện chưa đa dạng, cần phải xây dựng những bộ chỉ số khác bổ sung cho chỉ số VN30 để những biến động của một vài mã chứng khoán lớn có sở hữu chéo trong chỉ số VN30 hiện nay không tác động mạnh tới chỉ số này và qua đó không tác động mạnh tới thị trường hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế để khuyến khích nhà đầu tư tổ chức tham gia mạnh hơn vào thị trường phái sinh để gia tăng tỷ lệ thị phần của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường này. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng mục tiêu chính của nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh là bảo hiểm rủi ro (hedging).

Đây là những nhà đầu tư dài hạn, khác hẳn với đa số nhà đầu tư cá nhân trong nước. Nhu cầu này của họ chỉ xuất hiện khi họ nhận thấy thị trường có những rủi ro lớn.

Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay được đánh giá là không nhiều rủi ro, xu hướng dài hạn là thị trường vẫn phát triển trên cơ sở tiềm năng phát triển của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Vì vậy, quy mô giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay thấp hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân là điều đương nhiên. Tình hình này sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Miễn phí giao dịch phái sinh có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường?

Phải khẳng định rằng, việc tổ chức môi giới miễn phí giao dịch chỉ có lợi cho nhà đầu tư và kích thích giao dịch, qua đó tăng khối lượng giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Việc công ty môi giới miễn phí hiện đang là xu thế chung trên thị trường thế giới, đặc biệt với các tổ chức môi giới áp dụng công nghệ hiện đại. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp, qua đó giảm giá vốn dịch vụ. Vì thế, việc áp dụng miễn/giảm phí dịch vụ không hề làm giảm chất lượng dịch vụ của những công ty này.

Động cơ của việc miễn phí là thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường để thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng mục tiêu của Chính phủ và UBCKNN, đồng thời chia sẻ gánh nặng phí với nhà đầu tư, giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho nhà đầu tư.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài yếu tố về chi phí giao dịch thì chất lượng dịch vụ là một yếu tố quan trọng để nhà đầu tư lựa chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản và giao dịch.

Nếu chi phí giao dịch thấp nhưng những dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư có chất lượng kém thì nhà đầu tư cũng không lựa chọn công ty đó để gửi gắm. Chỉ những công ty tự tin về chất lượng dịch vụ của mình, từ nền tảng công nghệ tới chính sách hỗ trợ giao dịch của nhà đầu tư, và biết nhìn xa trông rộng mới đủ tự tin để miễn giảm phí giao dịch phái sinh cho nhà đầu tư.

Về phía Nhà nước, cụ thể ở đây là VSD, HNX và cơ quan thuế, cũng được hưởng lợi lớn từ động thái này của các công ty chứng khoán. Việc các công ty chứng khoán miễn phí giao dịch cho khách hàng sẽ kích thích việc gia tăng khối lượng giao dịch, từ đó các định chế nói trên sẽ gia tăng được doanh thu từ phí và thuế.

Tóm lại, quy mô của thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay còn khá nhỏ so với thị trường cơ sở - ngược với thông lệ thế giới. Vì vậy, cần tạo điều kiện để thị trường này phát triển mạnh hơn nữa, đáp ứng mong muốn của Chính phủ và phù hợp với thông lệ phát triển của thị trường quốc tế.

Thạc sỹ tài chính Nguyễn Thu Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ