Mua nhà thời... click to buy

(ĐTCK) Công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (Prop-Tech) đã xuất hiện trên thế giới gần chục năm nay và bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam. Áp dụng Prop-Tech giúp đem lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Công nghệ 3D giúp người mua có thể hình dung rõ nét về căn nhà mình sắp mua mà không cần xem nhà mẫu. Công nghệ 3D giúp người mua có thể hình dung rõ nét về căn nhà mình sắp mua mà không cần xem nhà mẫu.

Khóc dở vì “cò”

Đã thành thói quen, mỗi khi muốn mua hay bán gì đó, hầu như chị Nguyễn Quyên đều tìm kiếm thông tin trên mạng. Từ thức ăn, đồ uống, đến quần áo, chỉ cần gõ sản phẩm mình quan tâm lên thanh công cụ tìm kiếm của Google là có hàng loạt trang web giới thiệu, chào bán về sản phẩm đó hiện ra. Việc còn lại là lựa chọn mặt hàng phù hợp, sau đó đặt mua bằng cú nhấp chuột, hoặc gọi điện cho bên bán đặt hàng.

Với thói quen đó, khi có nhu cầu mua nhà, chị Quyên cũng sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dự án phù hợp với mình. Sau một thời gian tìm kiếm, chị ứng ý với một căn hộ của dự án tại 75 Tam Trình, quận Hoàng Mai (Hà Nội) và nhấc máy gọi cho số điện thoại rao bán.

Qua cuộc điện thoái, môi giới rao bán cho biết thêm, do thời gian bàn giao căn hộ cận kề, trong khi chủ căn hộ không xoay được tiền để nộp tiếp, nên chấp nhận bán lỗ, dưới cả mức giá gốc của chủ đầu tư. Thấy căn hộ phù hợp cả về giá và vị trí, chị quyết định sẽ mua căn hộ này và hẹn lịch xem dự án trước khi xuống tiền.

Thế nhưng, đến ngày hẹn, thay vì được dẫn đến xem dự án tại 75 Tam Trinh, chị Quyên lại được môi giới dẫn xuống một dự án gần xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì với lời mời chào dự án này còn rẻ hơn dự án ở Tam Trinh và có hạ tầng tiện ích tốt hơn. Việc này khiến chị Quyên bức xúc và dĩ nhiên không quan tâm đến dự án tại Tứ Hiệp, vì không phù hợp với nhu cầu của gia đình.

Dù bức xúc, nhưng chị Quyên chỉ mất thời gian, trong khi anh Tuấn, một người có nhu cầu mua nhà khác còn mất thêm một khoản tiền khá lớn khi tin tưởng vào môi giới trên mạng.

Cụ thể, vì muốn có hộ khẩu trung tâm thành phố để tiện cho việc con cái đi học, sau thời gian dài tìm kiếm trên mạng, anh Tuấn tìm được 1 căn hộ rộng 59 m2 với 2 phòng ngủ thuộc một khu tập thể cũ tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) với giá hơn 1,7 tỷ đồng. Để mua căn hộ này, anh đã phải đặt cọc gần 200 triệu cho người rao bán.

Tuy nhiên, khi tiến hành làm thủ tục sang nhượng, anh Tuấn mới biết, chủ nhân thực sự của căn hộ không phải là người rao bán và nhận tiền cọc của anh, mà đây chỉ là môi giới được chủ nhân nhờ rao bán hộ. Chưa kể, tìm hiểu kỹ hơn, anh được biết, mứ, giá thực tế mà chủ căn hộ rao bán chỉ gần 1,5 tỷ đồng. Không mua sẽ mất cọc, nên anh Tuấn ngậm ngùi nộp nốt số tiền còn lại và chấp nhận mất oan gần 200 triệu đồng cho môi giới.

Dù gì, chị Quyên và anh Tuấn vẫn còn may mắn khi không mất tiền, hoặc vẫn nhận được nhà để ở, nhiều người khác do không tìm hiểu kỹ về dự án, tin lời “cò” đã “mất cả chì lẫn chài”.

Cụ thể, mới đây, đường dây nóng của Báo Đầu tư Bất động sản nhận được thư kêu cứu của một khách hàng về việc nộp tiền mua nhà nhiều năm nhưng không nhận được nhà. Theo phản ánh của khách hàng này, cách đây 2 năm, thông qua internet, thấy có người rao bán căn hộ tại dự án ở đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) giá hợp lý nên anh liên lạc hỏi mua.

Người này dẫn anh tới công trình dự án giới thiệu dự án đã xây lên tầng 7. Vì đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở và tận mắt chứng kiến công trình dự án đúng là đang được xây lên tầng 7, nên anh quyết định mua lại căn hộ này mà không tìm hiểu kỹ thêm.

Sau 2 năm mua nhà, khách hàng này vẫn không nhận được nhà và dự án thì vẫn dậm chân tại chỗ. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời điểm khách hàng này mua, dự án này đã dừng triển khai 1 năm trước đó sau khi xây dựng đến tầng 7. Hiện việc tái khởi động dự án này cũng chưa biết khi nào, vì thiếu giấy tờ pháp lý…

Công nghệ giúp hạn chế rủi ro

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Đại Việt Group, đơn vị đang triển khai mô hình cổng thông tin điện tử batdongsan.com.vn cho rằng, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, mua bán qua mạng, kể cả với bất động sản ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi giao dịch bất động sản online, cả người mua lẫn người bán nên tận dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, hay còn gọi là Prop-Tech (Property Technology).

Prop-tech là thuật ngữ nhằm chỉ các công nghệ trong ngành bất động sản trên 3 mảng chính là thông tin bất động sản, giao dịch bất động sản và quản lý bất động sản.

Prop-Tech giúp các nhà phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh địa ốc thay đổi và thích nghi với thế hệ khách hàng mới trên internet. Ứng dụng sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tiếp thị sản phẩm bất động sản đến với đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.

Nhà phát triển dự án, chủ đầu tư cũng có thể kết hợp các công nghệ xây dựng thông minh cho các sản phẩm và quản lý, bán hàng, tiếp thị hoàn toàn trực tuyến, giúp giảm chi phí marketing, bán hàng so với các kênh truyền thống.

Trong khi đó, với khách hàng, nhờ sử dụng Prop-Tech, người mua hoặc thuê có thể xem thông tin, so sánh giá cả, sản phẩm phù hợp, tính toán khoản vay, tìm phương án tài chính…, giúp giảm thiểu rủi ro khi mua nhà, nhất là mua nhà qua trung gian. Việc làm thủ giao dịch cũng được thực hiện trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian cho người mua.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, người mua nên tìm hiểu kỹ các cổng thông tin giao dịch bất động sản, nên chọn các kênh thông tin uy tin, đã có thương hiệu để tránh bị các "cò đất” lợi dụng, lừa dối. Việc các “cò đất” bất chính lợi dung sự phát triển của công nghệ, xây dựng các kênh giao dịch online riêng và cung cấp các thông tin không chính xác cho khách hàng cũng ảnh hưởng tới các môi giới chân chính, cũng như niềm tin của khách hàng vào các cổng giao dịch điện tử nói chung.

"Với mục tiêu đóng góp cho sự minh bạch của thị trường bất động sản, từ đầu năm 2017, chúng tôi đã tổ chức chuỗi chương trình đào tạo chuyên nghiệp về kiến thức bất động sản đặc biệt dành cho các nhà môi giới và các chủ đầu tư bất động sản lần lượt với tên gọi Expert Talk và Expert Talk+.

Khi trình độ chuyên môn của những nhà môi giới được nâng cao, khi vấn đề marketing quảng bá sản phẩm của các chủ đầu tư bất động sản trở nên có hệ thống và rõ ràng hơn, thì người mua bất động sản cũng sẽ dễ dàng kết nối được với nguồn thông tin chính thống và tránh được những vấn đề đáng tiếc xảy ra", ông Quốc Anh cho biết.

Hiện nay, ngoài Đại Việt Group, còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đầu tư vào Prop-Tech. Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực bất động sản là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để lĩnh vực này thực sự phát triển, theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cần nâng cao nhận thức của người sử dụng, người mua nhà, nhà phân phối, chủ đầu tư về các công nghệ mới trong lĩnh vực bất động sản.

Dẫu vậy, việc thay đổi không dễ, không thể "một sớm, một chiều", mà cần rất nhiều yếu tố liên quan, trong đó phải kể đến một yếu tố "kẻ có tâm cần người có tầm".

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục