Giá nhà trên trời, người mua dưới đất
“Trước đây, chỉ cần có khoảng 2-3 tỷ đồng là có thể mua được một căn chung cư ưng ý, nhưng nay điều này quá xa vời”, Thế Anh - kỹ sư công nghệ thông tin, người đang có nhu cầu tìm mua nhà mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Kỹ sư này kể, trước dịch Covid-19, khi khảo sát giá cả để mua nhà, ở Hà Nội vẫn lác đác có những dự án căn hộ tầm giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án đang mở bán đều có giá tăng khoảng 3 lần.
“Thời điểm đó, vợ chồng tôi muốn tích lũy thêm tài chính để đỡ áp lực vay ngân hàng, thế nhưng không thể ngờ là giá nhà tăng quá nhanh, sự lựa chọn thì ngày một ít”, kỹ sư này nói.
Còn chị Vương Huyền - nhân viên marketing, người đang tìm kiếm cho mình căn hộ đầu tiên trong đời cho hay, hiện tại, cả với phân khúc nhà ở xã hội, giá bán cũng đã tăng không ít. Đặc biệt, chi phí ngoài cũng tăng một cách khủng khiếp.
Theo chia sẻ của nhân viên marketing này, từ vài năm trước, việc mua nhà ở xã hội cũng đã không dễ và thường người mua sẽ phải bỏ ra từ 30-50 triệu đồng cho bên môi giới để có suất mua căn hộ. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, chi phí này đã tăng lên rất cao, từ 200-350 triệu đồng.
“Giai đoạn trước, bỏ ra mấy chục triệu đồng hầu như chắc chắn sẽ có căn, có suất mua nhà ở xã hội. Còn hiện tại, dù mức chi phí ngoài này đã tăng 4-5 lần, nhưng phía môi giới cũng không dám đảm bảo ‘chắc ăn’ như trước, cơ bản vẫn phụ thuộc vào người mua ‘cao tay bốc’ hay không”, nhân viên marketing này nói và cho biết thêm, với người mua nhà lần đầu, lại hướng đến phân khúc nhà ở xã hội, thường điều kiện kinh tế khá eo hẹp, bỏ ra vài chục triệu đồng mua suất đã tương đương với một vài mét vuông nhà ở, nhưng nay, với việc “hét” phí trên trời, nếu chấp nhận thì người mua có thể mất số tiền tương đương 10-15 m2 nhà ở. Đã vậy, việc phía môi giới cũng không chắc chắn có suất mua nhà hay không càng khiến người mua e dè.
“Vợ chồng mình để dành được khoảng hơn 1 tỷ đồng, vậy mà chi phí ngoài đã lên đến vài trăm triệu, xót lắm. Mà không mua thì cũng chẳng biết bao giờ mới có được chỗ ‘chui ra, chui vào’ của riêng mình”, chị Huyền rầu rĩ nói.
Thế nhưng, cơ hội ngày một xa tầm với khi giá nhà tăng quá nhanh |
Nhà ở xã hội là chìa khóa, nhưng không dễ làm
Đem vấn đề khó khăn tiếp cận nhà ở, nhất là với người mua nhà lần đầu, trao đổi với các chuyên gia, điểm chung người viết nhận thấy là chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu sở hữu ngôi nhà đầu tiên luôn là câu chuyện “nóng”. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận của đại đa số người có nhu cầu lại rất thấp, bởi hiện tại, giá căn hộ tại 2 đô thị này đều đang rất cao.
“Dù vậy, cũng bởi nhu cầu đối với ngôi nhà đầu tiên là rất lớn, nên đây là điều các chủ đầu tư cần lưu tâm trong thời gian tới”, bà Trang nói.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam đang bị “khủng hoảng phân khúc”. Chính phủ cũng đã nhận thấy thực tế này và đưa ra 2 phương án để “cứu” phân khúc nhà ở giá rẻ là đẩy qua ngân sách và ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, ông Nghĩa đánh giá: “Không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên”.
“Cho tới nay, chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ vẫn chưa phát huy tác dụng, trong khi phân khúc chung cư thương mại thẳng tiến với tốc độ tăng giá chóng mặt”, ông Nghĩa nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, liên quan tới hoạt động mở bán nhà ở xã hội, quy định trần thu nhập cũng gây vướng mắc. Theo ông Quê, cách thu nhập tính thuế của Việt Nam hiện đã lạc hậu, thế nên mới xuất hiện tình cảnh người có thu nhập đủ để đóng thuế thu nhập cá nhân mà vẫn không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Mặt khác, theo quy định hiện hành, người thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ bị loại khỏi danh sách mua nhà ở xã hội cũng cho thấy sự bất hợp lý. Do đó, cần phải nâng cao trần thu nhập chịu thuế để theo kịp thực tiễn và mở lối cho người mua.
“Hiện nay, nhiều người lao động trong khu công nghiệp, nhất là lao động trong các doanh nghiệp liên doanh, các khu công nghệ cao, đều thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tức là nhóm lao động này thuộc diện đóng thuế vì thu nhập cao, nhưng thực tế là mức thu nhập đó cũng chưa đủ tiền để mua nhà ở xã hội, bởi giá bán của các dự án nhà ở xã hội hiện nay đều trên 20 triệu đồng/m2, gần tiệm cận phân khúc trung cấp”, ông Quê nói.
Đưa ra giải pháp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Sen Vàng Group cho rằng, có thể áp dụng kinh nghiệm thành công trong giai đoạn 2013-2014, tức là mở rộng tiêu chí cho người mua nhà ở xã hội. Theo đó, người mua nhà lần đầu nên được ưu tiên tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, cùng với đó là các quy định ưu tiên về độ tuổi, chẳng hạn từ 25-35 tuổi, bởi đang là độ tuổi lao động, cũng là nhóm có nhu cầu nhà ở cao.
“Nhóm khách hàng nói trên đang trong độ tuổi lao động, là lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho kinh tế - xã hội, nếu được tạo điều kiện mua nhà, họ sẽ nỗ lực làm việc để đảm bảo thanh toán tiền nhà, đóng thuế… Từ đó, ‘mũi tên’ an sinh sẽ đi trúng đích và tạo động lực cho thị trường, cho người có nhu cầu thực”, bà Ngọc nói và phân tích thêm, với việc giá nhà liên tục tăng cao gấp hàng chục lần thu nhập bình quân đầu người phần nào tạo tâm lý e ngại trong giới trẻ, thậm chí nhiều người cho biết đã xác định không thể mua nhà và sẽ chọn thuê (không phải các dự án nhà ở xã hội vì vướng thủ tục). Điều này sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực cho thị trường và cần phải được cải thiện sớm bằng các chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ chế và đối tượng mua nhà.
Quay trở lại với câu chuyện của anh Thế Anh và chị Huyền, cả 2 người đều cho biết không biết nên ứng xử ra sao với câu chuyện mua nhà, bởi mua ở thời điểm hiện tại thì giá cao, phải vay mượn nhiều, còn nếu không mua thì rất có thể, cơ hội có nhà sẽ ngày càng xa tầm với.
“Mỗi năm, trừ đi các chi phí sinh hoạt, gia đình tôi để ra được khoảng 150-200 triệu đồng, nhưng mức tiết kiệm này đang thua xa tốc độ tăng giá chung cư”, anh Thế Anh cho hay.
Còn chị Huyền lấy dẫn chứng: “Một dự án ở khu Ngoại giao đoàn mở bán trước Tết Giáp Thìn 2024 với giá phổ biến khoảng 70 triệu đồng/m2, nhưng sau 4 tháng, nhiều căn đã tăng lên 100 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn. Mình không đủ tài chính để hướng tới sản phẩm ‘tầm cao’ như vậy, nhưng rõ ràng, việc giá căn hộ cứ tăng như ‘lên đồng’ đang khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khép lại”.