Cần ưu đãi người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Cuối giờ sáng và chiều 29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.

Sửa đổi Luật Nhà ở cần tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, từ đó có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên, theo góp ý của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nhận xét, chính sách phát triển nhà ở và tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở quy định tại Điều 59 Hiến pháp là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng thực tế thì việc phát triển nhà ở còn hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là vai trò mấu chốt của nhà là để ở.

Ông Hoàn dẫn số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sở hữu nhà ở của các hộ gia đình Việt Nam là 88,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Vậy, câu hỏi đặt ra tại sao nhu cầu về nhà ở tại các đô thị vẫn là vấn đề bức thiết đến như vậy? Để trả lời câu hỏi này, đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, từ đó có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên, nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu, miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội”, đại biểu Hoàn góp ý.

Vị đại biểu Thanh Hóa cũng cho rằng cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua.

Luật Nhà ở 2014 quy định khi bán lại nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường thì người bán phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo Dự thảo thì quy định này bỏ áp dụng đối với nhà chung cư, do đó đề nghị giữ lại quy định này của luật hiện hành, ông Hoàn nêu.

Đại biểu cũng bày tỏ tán thành với quy định tại khoản 5 Điều 86, đó là chỉ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và mở rộng đối với thời gian là sau 5 năm kể từ khi mua.

“Phải xác định rõ là nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội, cũng như nhà ở xã hội là để ở, không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức”, ông Hoàn phát biểu.

Dẫn lại ý của đại biểu Hoàn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có khoảng 26 triệu hộ gia đình, trong đó, có 1.244 hộ không có nhà ở, tương đương 4.108 người. Như vậy, về cơ bản công dân Việt Nam đã được bảo đảm về chỗ ở.

Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là điều kiện chỗ ở tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhiều dân cư. Như vậy, nhóm đối tượng gặp khó khăn là cần chỗ ở có điều kiện tốt hơn hoặc thuận lợi hơn.

Đối với nhóm này, Điều 83 Dự thảo đang thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội theo cách làm giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu - tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng - như hỗ trợ tiền mua, tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn ... Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng, cầu mua sẽ tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.

Vì vậy, ngoài quy định chung tại Điều 115, ông Nghĩa đề nghị bổ sung thêm 1 điều riêng quy định chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà xã hội.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng, việc quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án thương mại hoặc đóng tiền là chưa phù hợp với quy luật thị trường, tạo gánh nặng cho chủ đầu tư, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội. Vì thế cần bỏ quy định này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục