Người mua nhà "mất phanh" bảo lãnh ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được ví như chiếc phanh ngăn đà trượt dài của các chủ đầu tư không thể giao nhà đúng hạn, nhưng bảo lãnh ngân hàng lại đang bị xem nhẹ trong thời gian dài.
Dự án Han Jardin Ngoại giao đoàn. Ảnh: Bình Minh Dự án Han Jardin Ngoại giao đoàn. Ảnh: Bình Minh

Thiếu chế tài bảo vệ người mua, chủ đầu tư được đà lấn tới

Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều dự án chung cư đang mở bán đều thiếu hoặc chưa chứng minh được dự án có ngân hàng thương mại bảo lãnh sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai.

Trong vai một nhà đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán được một nhân viên môi giới tại dự án Han Jardin Ngoại giao đoàn cho hay: “Do dự án dự kiến được bàn giao vào cuối năm nay nên không cần bảo lãnh ngân hàng, người mua nhà có thể yên tâm”.

Hay tại dự án Capital Ellite, phía nhân viên môi giới chỉ cung cấp được văn bản thông báo đồng ý cấp bảo lãnh từ ngân hàng, trong khi theo quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023, sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ chủ đầu tư phải gửi hợp đồng này cho ngân hàng thương mại để đề nghị phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.

Bình luận xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho biết, bảo lãnh ngân hàng cho nhà ở hình thành tương lai là để bảo vệ quyền lợi bên mua, nhưng trong một thời gian dài, các cơ quan quản lý chưa sâu sát vấn đề này nên quyền lợi người mua chưa được bảo vệ đúng mức.

“Việc thiếu giám sát, thiếu chế tài có thể gây thiệt thòi cho người mua nhà”, ông Thành nói và cho biết thêm, trên thực tế, có không ít trường hợp quyền lợi của người mua bị đe dọa do không có bảo lãnh ngân hàng.

“Việc chủ đầu tư và ngân hàng nhập nhèm giữa chấp thuận chủ trương bảo lãnh với chứng thư chấp nhận bảo lãnh khiến người mua nhà hiểu lầm và thực tế là căn hộ không hề được bảo lãnh. Những văn bản chấp thuận chủ trương chỉ mang tính thông báo, chứ chưa phát sinh quyền, lợi ích hợp pháp cho người mua. Đây là vấn đề rất lớn”, ông Thành nhấn mạnh.

Người mua phải biết tự bảo vệ

Thực tế những năm qua cho thấy, không ít dự án mà người mua nhà không được bảo vệ khi mua nhà không có bảo lãnh ngân hàng, điển hình như trường hợp của các khách hàng tại dự án Eco Green Tower (Hoàng Mai, Hà Nội) hay Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội).

Cụ thể, với dự án Eco Green Tower, phía ngân hàng cho biết sẽ chỉ trả tiền bảo lãnh cho những người mua căn hộ xuất trình được cam kết bảo lãnh mà ngân hàng đã phát hành cho khách hàng theo đúng quy định. Nếu không nhận được cam kết này, khách hàng sẽ không nhận được tiền bảo lãnh và do không có các cam kết bảo lãnh nên người mua nhà là phía chịu thiệt.

Hay với Tokyo Tower, dự án này đã hoàn thiện xây thô từ năm 2018, đến khi bước vào giai đoạn bàn giao thì chủ đầu tư gặp khó về tài chính nên không thể triển khai tiếp. Hiện tại, dự án vẫn dang dở và người mua nhà vẫn chưa thể nhận căn hộ.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đây là vấn đề quan trọng bởi bảo lãnh ngân hàng đảm bảo việc có bên đứng ra hoàn trả vốn góp cho người mua, quyền lợi người mua nhà được đảm bảo tương đối. Do vậy, với các dự án không có bảo lãnh thì người mua nhà cần lưu ý, cân nhắc kỹ khi mua. Bởi suy cho cùng, quyền mua nhà thuộc về người mua, nếu mua mà không có bảo lãnh thì người mua tự nhận lấy rủi ro về phía mình.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục