Mùa đại hội 2020 có thể đến trễ

(ĐTCK) Năm nay, không ít doanh nghiệp lùi thời gian tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ), sớm nhất là trong tháng 4. Một phần do tác động của dịch Covid-19, phần khác là để có thêm thời gian tính toán, điều chỉnh phương án kinh doanh.

Chưa nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch chốt cổ đông

Tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết cho biết, Công ty đã lên kế hoạch tổ chức họp ÐHCÐ năm 2020 trong tháng 3, nhưng chưa công bố chốt danh sách cổ đông.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Công ty sẽ lùi lịch họp đại hội, do phải chờ báo cáo kiểm toán năm 2019 và doanh nghiệp đang tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Có những yếu tố doanh nghiệp có thể lường được, song cũng có những yếu tố mà chúng tôi không thể tính toán, bởi phụ thuộc vào thời gian kiểm soát cũng như chấm dứt trình trạng cấm thông quan vào Trung Quốc liên quan đến dịch Covid-19.

Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển, việc phải cắt các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc ảnh hưởng đến nguồn thu của Công ty.

Chưa kể, để đảm bảo hợp đồng với khách hàng, chúng tôi đã phải vận chuyển hàng hóa qua bên thứ ba đến những cảng của những quốc gia khác có mức giá cao hơn, tốn thêm nhiều chi phí hơn”, tổng giám đốc doanh nghiệp trên nói.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) cho hay, tỷ trọng hoạt động liên quan đến thị trường Trung Quốc không lớn nên dịch Covid-19 không tác động nhiều đến hoạt động của Tổng công ty.

Năm 2019, PVT tổ chức ÐHCÐ sớm do phải bầu lại Hội đồng quản trị. Năm nay, việc tổ chức họp đại hội sẽ được thực hiện trong tháng 4.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chia sẻ, trong một số năm, lịch họp ÐHCD của Công ty có thể bị chậm hơn do liên quan đến việc đàm phán giá điện với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), một số doanh nghiệp có thể sẽ phải tính toán, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 như ngành hàng không, tiêu dùng, cảng biển, vận tải biển, thủy sản…, nếu tình trạng dịch Covid-19 kéo dài.

Tác động của dịch có thể nhìn thấy đối với nhóm cảng biển là nguồn thu thiếu hụt từ hoạt động khai thác cảng.

Các doanh nghiệp này được bù đắp bởi hoạt động kho bãi, đặc biệt là dịch vụ lưu kho lạnh, vốn là dịch vụ có biên lợi nhuận gộp cao, nhờ nhu cầu lưu trữ tăng.

Tuy nhiên, tình trạng dịch kéo dài sẽ làm tăng mức độ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP, HAH, do công suất kho bãi có hạn.

Ðại diện Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVX) cho biết, Công ty chưa có lịch họp ÐHCÐ cụ thể, nhưng khả năng tới tháng 5 hoặc tháng 6 mới tổ chức.

Ðối với PVX, kế hoạch kinh doanh năm 2020 là một bài toán “cân não”, bởi sau 3 năm thua lỗ và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết thì việc đưa ra chiến lược nào để vực dậy Công ty là điều mà các cổ đông quan tâm nhất trong mùa đại hội năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, khối ngân hàng vẫn cho thấy là nhóm tổ chức ÐHCÐ sớm. Tính đến ngày 14/2, đã có 7 ngân hàng công bố chốt danh sách cổ đông trong tháng 2 để tổ chức họp đại hội vào tháng 3, tháng 4, bao gồm BIDV, Vietcombank, Eximbank, ACB.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của nhóm ngân hàng mới công bố sơ bộ cho thấy, nhiều ngân hàng duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Chẳng hạn, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 12.600 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,6%.

Hay Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 15%, tương đương đạt khoảng 26.565 tỷ đồng, đi kèm với đó là tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%...

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp có quyền chọn thời điểm tổ chức ÐHCÐ để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh cần cập nhật thường xuyên để các cổ đông nắm bắt.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp niêm yết phải họp ÐHCÐ thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ðiều này đồng nghĩa, mùa ÐHCÐ sẽ kết thúc vào ngày 30/6 hàng năm. Quy định là vậy, nhưng trong vài năm trở lại đây, vẫn có những doanh nghiệp lùi thời hạn tổ chức ÐHCÐ tới tháng 8, tháng 9.

Họp ÐHCÐ trực tuyến, tại sao không?

Thực tế những năm trước, nhiều doanh nghiệp tổ chức không thành công ÐHCÐ, thậm chí tổ chức lần 2 cũng bất thành, do số lượng cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ theo quy định.

Tổ chức ÐHCÐ trực tuyến là giải pháp phù hợp, nhưng việc thực hiện lại không đơn giản, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động đầu tư cho công nghệ và cổ đông nào cũng rành về công nghệ.

Hiện tại, trong bối cảnh công nghệ thông tin đang ngày càng phổ biến và thể hiện vai trò thiết thực, việc tổ chức ÐHCÐ trực tuyến là điều các doanh nghiệp cần tính đến.

Mặc khác, việc tổ chức đại hội trực tuyến, bỏ phiếu điện tử (e-voting) đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Ðể áp dụng e-voting, doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 cách.

Thứ nhất, sửa đổi điều lệ công ty, trong đó bổ sung quy định chi tiết về nội dung bỏ phiếu điện tử, trình ÐHCÐ thông qua và áp dụng.

Thứ hai, khi sửa điều lệ công ty, doanh nghiệp có thể định ra nguyên tắc áp dụng e-voting trong văn bản này, cùng với trình ÐHCÐ thông qua ban hành một quy chế chi tiết về bỏ phiếu điện tử.

Là đơn vị cung cấp dịch vụ e-voting, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận định, đây sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, tạo thêm cơ hội cho các tổ chức cung cấp dịch vụ, cho dù hiện tại dịch vụ này còn chưa phổ biến.

Tính đến nay, ở Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp thực sự tổ chức ÐHCÐ trực tuyến, mà chủ yếu là bán trực tuyến: tổ chức tại một địa điểm cụ thể, kết hợp với biểu quyết, bầu cử trực tuyến...

Ngay với Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) là đơn vị cung cấp giải pháp tổ chức ÐHCÐ trực tuyến cũng cho biết, Công ty đã họp ÐHCÐ thường niên hàng năm theo hình thức tương tự với ÐHCÐ bán trực tuyến.

Theo FPTS, với cách thức tổ chức ÐHCÐ trực tuyến, các cổ đông dù ở đâu đều có thể đăng nhập và thực hiện đăng ký tham dự trước khi đại hội được tổ chức, doanh nghiệp có thể kiểm soát được số lượng cổ đông đăng ký dự đại hội và ủy quyền dự đại hội, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp cũng như cổ đông.

ÐHCÐ trực tuyến có thể sẽ là giải pháp phù hợp để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong những mùa đại hội tới.

Mới đây, Hội Kiểm toán hành nghề Việt Nam (VACPA) đã kiến nghị Bộ Tài chính lùi thời hạn công bố cáo báo kiểm toán năm 2019 một tháng so với quy định. Theo VACPA, để giúp kiểm toán viên và doanh nghiệp được kiểm toán thực hiện đầy đủ các thủ tục, thu thập được các bằng chứng kiểm toán phù hợp theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, đồng thời để các đơn vị được kiểm toán có thêm thời gian khắc phục, sửa chữa báo cáo tài chính, cần cho phép các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán được lùi thời hạn nộp cáo tài chính năm kết thúc ngày 31/12/2019 cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công bố thông tin chậm nhất trước ngày 30/4/2020.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục