Mua bảo hiểm nhân thọ nhóm, DN vẫn chưa mặn mà

(ĐTCK) Dù được được không ít công ty bảo hiểm triển khai, nhưng bảo hiểm nhân thọ nhóm không được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Mua bảo hiểm nhân thọ nhóm, DN vẫn chưa mặn mà

Tại nhiều nước phát triển, sản phẩm bảo hiểm nhóm bán rất chạy, vì đây là một giải pháp tốt giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên. Ở Việt Nam, không ít công ty bảo hiểm triển khai sản phẩm này, nhưng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia.

Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã cho ra đời dòng sản phẩm bảo hiểm nhóm như: Phú bảo nghiệp - Prudential, An nghiệp bảo nhân - AIA , An nghiệp thành công - Bảo Việt. Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), thông qua nhà môi giới bảo hiểm AON, đã triển khai sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho các doanh nghiệp lớn như Công ty FPT, Ngân hàng Hàng hải, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Hãng hàng không AirMekong…

Vừa qua, Tập đoàn Bảo hiểm Generali của Ý đã khai trương Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Vietnam, với sản phẩm bảo hiểm cho cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có bảo hiểm nhân thọ tử kỳ nhóm Bảo nhân hưng nghiệp. Trong nước, CTCP PVI dự kiến, trong năm nay sẽ ra mắt công ty bảo hiểm nhân thọ trên cơ sở hợp tác với đối tác châu Mỹ và có thể triển khai sản phẩm bảo hiểm nhóm.

Bảo hiểm nhóm được đánh giá là tiềm năng, nhưng chuyên viên tư vấn Phòng Bảo hiểm doanh nghiệp, Công ty Bảo hiểm Prudential tại Hà Nội chia sẻ, Công ty thành lập Phòng Bảo hiểm doanh nghiệp để triển khai sản phẩm nhóm tới doanh nghiệp với một đội ngũ, chuyên viên tư vấn toàn thời gian. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên thuộc phòng này phải đi khai thác những khách hàng cá nhân là chính để lấy doanh số.

Một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, bảo hiểm nhóm tại Việt Nam chưa phát triển, vì ngay cả “món ăn chính” là các sản phẩm bảo hiểm chính bán cho cá nhân, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn chưa khai thác hết tiềm năng. Chính vì thế, “món ăn phụ” chưa thực sự được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp bảo hiểm nhóm vào phân khúc tiềm năng trong tương lai.         

Đặc biệt, các sản phẩm bảo hiểm nhóm bán cho doanh nghiệp có mức phí bảo hiểm không bằng phí bán cho cá nhân. Khách hàng không phải thẩm định sức khỏe cũng là một yếu tố gây rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Mua bảo hiểm nhân thọ nhóm, DN vẫn chưa mặn mà ảnh 1Tại Việt Nam, bảo hiểm cá nhân còn chưa được khai thác hết tiềm năng

Trao đổi với ĐTCK, Tiến sĩ Hoàng Thị Bích Hồng, Phó trưởng khoa Bảo hiểm, Trường đại học Lao động - Xã hội cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, cắt giảm chi phí là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải cùng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với người lao động. Mức đóng bảo hiểm của người lao động hiện nay là BHXH 24%, bảo hiểm y tế 4,5%, bảo hiểm thất nghiệp 2%, tổng cộng là 30,5%. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng 22% trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động và được tính vào chi phí, còn người lao động phải đóng 8,5% mức tiền lương, tiền công. Như vậy, người chủ sử dụng lao động đóng gần gấp 3 lần so với người lao động. Mức đóng BHXH của doanh nghiệp tại Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp nợ BHXH, trốn đóng BHXH hiện nay. Đây cũng là một nguyên nhân khiến đa số doanh nghiệp chưa mặn mà với bảo hiểm nhóm, mặc dù Nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quyết toán các khoản chi để mua thêm bảo hiểm cho nhân viên.

Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung điểm n vào khoản 2 Điều 9 về “Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế” như sau: “Các khoản chi tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; quy chế tài chính của công ty, tổng công ty, tập đoàn; quy chế thưởng do chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc quy định theo quy chế tài chính của công ty, tổng công ty”.

Như vậy, các khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng và thỏa mãn điều hiện là được ghi rõ trong hợp đồng lao động, quy chế tài chính, quy chế thưởng, khi đó sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Nghị định 122 tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động được tính vào chi phí trước thuế sẽ tạo tiền đề cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhóm hướng tới doanh nghiệp nhiều hơn.

Minh Đức
Minh Đức

Tin cùng chuyên mục