Từ tháng 5/2016, Thông tư 06/2016, thay thế Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản từ 60% xuống còn 50%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện dư địa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng chỉ còn khoảng hơn 15%, nên nguồn vốn mà thị trường bất động sản có thể trông chờ từ tín dụng ngân hàng trong những tháng cuối năm không còn nhiều.
Bên cạnh đó, kể từ giữa quý III/2016, NHNN tiếp tục ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với bất động sản, khiến cho việc giải ngân vào thị trường này cũng bắt đầu chậm lại.
Số liệu từ NHNN cho biết, tính đến ngày 31/8/2016, tín dụng bất động sản tăng 6,73%, chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành (gần 10%) và tốc độ tăng chỉ bằng một nửa của cùng kỳ năm ngoái (13,06%). Mức tăng này theo dự đoán của nhiều chuyên gia, sẽ còn tiếp tục chậm lại từ nay cho tới cuối năm, theo yêu cầu về việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản của NHNN.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một chuyên gia tài chính cho biết, việc ưu đãi lãi suất kích thích người mua nhà vào dịp cuối năm là chương trình thường niên mà ngân hàng nào cũng thực hiện. Năm nay, dù lãi suất huy động giảm, các ngân hàng có nhiều cơ sở để hạ thêm lãi suất cho vay, nhưng việc giải ngân sẽ hạn chế và có nhiều ràng buộc hơn. Đặc biệt, thay vì cho vay dàn trải, các ngân hàng chỉ lựa chọn một số dự án nhất định của các chủ đầu tư uy tín.
Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank, TPBank, VIB, Techcombank, ABBank, Nam A Bank, Sacombank đã rục rịch tung ra các chương trình lãi suất ưu đãi với lãi suất phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1%/năm so với năm trước. Có đơn vị còn tung ra mức lãi suất khởi đầu chỉ 0% (trong khoảng thời gian nhất định).
Tuy nhiên, mức thời hạn vay của các gói tín dụng này cũng đã giảm mạnh, chỉ ưu tiên chủ yếu vào các dự án đã cơ bản hoàn thiện như Dự án Gemek Premium, The GoldView, Tràng An Complex, T10 Times City, T&T Vĩnh Hưng, Tòa A và B Westbay Ecopark… Đa số các dự án bất động sản trên thuộc phân khúc trung và cao cấp. Còn thực tế, đối với những dự án mới, những dự án nhà ở giá rẻ bắt đầu triển khai và mở bán vào thời điểm hiện tại, thì mức hỗ trợ không nhiều, thậm chí là gần như không có.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), việc dòng tiền tín dụng đã eo hẹp, lại chỉ đổ vào phân khúc trung và cao cấp có thể gây tác động không tốt tới thị trường, bởi lẽ, phần lớn nhu cầu hiện nay lại là người thu nhập trung bình và thấp với phân khúc nhà ở giá rẻ. Trong bối cảnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã chấm dứt ký mới từ cuối tháng 3/2016, còn gói tín dụng ưu đãi 4,8%/năm của Ngân hàng Chính sách xã hội dù đã bắt đầu tiến hành từ cuối tháng 8/2016, nhưng còn nhiều vướng mắc trong triển khai, thì việc thiếu nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản của phân khúc nhà ở giá rẻ.
Do đó, theo ông Nam, ưu tiên trong giai đoạn sắp tới mà các cơ quan quản lý cần lưu tâm tới là chỉ đạo và ban hành các quyết sách nhằm ưu tiên vào phân khúc nhà ở giá bình dân, hạn chế việc cho vay để đầu cơ vào các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung và cao cấp, đồng thời hạn chế những rủi ro có thể ảnh hưởng tới diễn biến chung của thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com