Trong năm qua, MSCI - tổ chức cung cấp các chỉ số chứng khoán toàn cầu uy tín bậc nhất thế giới đã liên tục bổ sung các cổ phiếu hạng A vào rổ chỉ số. Tới nay, có 472 cổ phiếu của doanh nghiệp Đại lục được đưa vào các chỉ số, chiếm 20% tổng lượng cổ phiếu.
Đáng chú ý, cổ phiếu nội địa Trung Quốc hiện chiếm 4,1% trong chỉ số Các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index) và 0,5% chỉ số Mọi quốc gia toàn cầu (MSCI All Countries World Index).
Điều này đồng nghĩa, các quỹ đầu tư theo dõi 2 chỉ số quan trọng này sẽ đổ khoảng 6,7 tỷ USD vào các cổ phiếu hạng A, gấp đôi con số trong tháng 8/2018, theo Thomas Taw - người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư APAC iShares tại BlackRock Inc.
Điều này khiến MSCI đón nhận nhiều ý kiến chỉ trích, trong đó có các nhà lập pháp Mỹ khi cho rằng, việc đưa thêm nhiều cổ phiếu hạng A vào các chỉ số khiến hàng tỷ USD đầu tư từ Mỹ buộc phải rót vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang xảy ra và các mối lo ngại liên quan tới an ninh quốc gia, cũng như câu chuyện nhân quyền còn nhiều tranh cãi.
Cổ phiếu Trung Quốc (bao gồm tại thị trường Hồng Kông và Mỹ) chiếm hơn 1/3 trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi.
Chẳng hạn, tháng 11/2019, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Jeanne Shaheen đã kêu gọi ban quản trị quỹ hưu trí của Chính phủ Liên bang đảo ngược quyết định đầu tư mà theo họ sẽ chuyển hàng tỷ USD vào các công ty Trung Quốc, qua đó giúp tăng cường hoạt động gián điệp và quân sự của Bắc Kinh.
Hiện tại, MSCI đã có sự thay đổi trong việc đưa thêm các cổ phiếu Trung Quốc vào rổ chỉ số với việc thêm 4 điều kiện cần thiết.
Thứ nhất, MSCI muốn Trung Quốc chấp nhận việc sử dụng nhiều hơn các công cụ tự bảo vệ (hedging) và phái sinh.
Thực tế, Trung Quốc đã gia tăng số lượng các cổ phiếu được vay ký quỹ (margin) trong năm nay và thêm công cụ quyền chọn với chỉ số CSI 300, theo HSBC Holdings Plc.
Tuy nhiên, số lượng các công cụ hedging và phái sinh được chấp thuận trong thời gian tới vẫn là ẩn số, nhất là khi thị trường rơi vào khủng hoảng năm 2015 được cho là bởi biến động của thị trường phái sinh.
Thứ hai, MSCI muốn các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch ngay cả khi thị trường chứng khoán Hồng Kông đóng cửa vào các ngày nghỉ, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn mở cửa.
Điều này giúp nhà đầu tư có thể “thoát hàng” thông qua mối liên kết giữa 2 sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến với Hồng Kông vào những tình huống cần kíp.
Thứ ba, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cần chấp nhận tài khoản phân tầng (một tài khoản có thể thay mặt thực hiện lệnh của nhiều khách hàng khác nhau).
Thứ tư, MSCI yêu cầu các giao dịch sẽ được giải quyết trong vài ngày như nhiều nơi khác trên toàn cầu, thay vì ngay lập tức như tại Trung Quốc.
Vấn đề này đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư tại Mỹ hay châu Âu bởi việc chênh lệch múi giờ khiến họ không thể giao dịch và theo sát thị trường trong giờ hoạt động tại Trung Quốc.
Những thay đổi trên là cần thiết, bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc có tính bất ổn cao.
Hiện tại, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn hoạt động trên thị trường và sẵn sàng bán tháo khi nghe bất kỳ tin xấu nào.
Đây cũng là lý do mức độ biến động của chỉ số CSI 300 bao gồm các cổ phiếu vốn hoá lớn ở khoảng 36% kể từ năm 2006, cao hơn gấp 3 lần so với con số 11,6% của chỉ số S&P 500, theo số liệu của Gavekal Dragonomics.
Theo giới chuyên gia, đây là hành động đúng đắn của MSCI. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 3,3% giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc, so với mức khoảng 2% vào cuối năm 2017.
Đa phần đà tăng này tới từ việc MSCI thêm cổ phiếu hạng A vào các chỉ số của mình. Bởi vậy, việc nâng cao các tiêu chuẩn để bảo vệ nhà đầu tư là cần thiết.
Tuy nhiên, để các điều kiện kể trên trở thành sự thật, thời gian có thể tới hàng năm. Theo đó, cánh cửa bước vào MSCI trong thời gian tới đã dần khép lại với cổ phiếu Trung Quốc.