Có ý kiến kêu khó khăn từ những người trực tiếp kiểm soát xe quá tải và doanh nghiệp vận tải, như việc cân xe ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, không có mặt bằng đặt trạm cân... Ông đánh giá việc này thế nào?
Kêu việc lập trạm cân làm chặn đứng lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tới nền kinh tế chỉ là ý kiến của một vài doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh tốt, thì không ảnh hưởng gì.
Còn kêu khó về bố trí lực lượng, mặt bằng đặt trạm cân, hạ tải, thì là do người ta không muốn làm, hoặc khi làm có sự va chạm, nên ngần ngại.
Có nơi kêu khó khăn về việc hạ tải, nhưng bản chất không phải vậy, bởi pháp luật đã quy định, người vi phạm chở quá tải chịu trách nhiệm và kinh phí hạ tải, trông coi bảo quản, điều phương tiện giảm tải. Nếu trạm cân có bãi và có người trông coi hàng hoá, thì tất cả chi phí đó người vi phạm vẫn phải trả.
Đương nhiên, người làm đầu tiên bao giờ cũng có khó khăn và có thể ngần ngại khi có sự chống cự của những bộ phận bị đụng chạm tới lợi ích riêng. Nhưng không thể vì lợi ích của một bộ phận nhỏ, mà để làm hư hỏng đường sá. Nếu chúng ta đồng thuận với những kêu ca đó, thì cả hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ khó giữ.
Hiện có nhiều lý do, hành động gây áp lực đối với việc kiểm soát tải trọng xe. Tổng cục Đường bộ có kiên định và thẳng tay với các vi phạm, tiêu cực?
Bản thân doanh nghiệp vận tải và một số người thực thi công vụ không muốn làm, nên cần hết sức tỉnh táo. Việc cân xe không chỉ có ngành giao thông, mà còn có sự phối hợp của cơ quan công an. Nếu vì né trạm cân, mà xếp hàng xe dài dằng dặc gây ùn tắc, mất an toàn giao thông, thì cơ quan công an cần xử lý ngay.
Nếu thấy khó khăn, thì quyết tâm khắc phục. Còn cái người ta vin vào để lần lữa, thì phải chống. Người có âm mưu phá hoại, không làm đúng quy trình để sai số hoặc gây sai phạm phải bị xử lý nghiêm. Nếu không có sự tiếp sức của hệ thống chính trị và các cơ quan báo chí, thì cuộc chiến chống xe quá tải còn nan giải.
Như vậy, theo ông, yếu tố con người là quan trọng nhất trong “cuộc chiến” chống xe quá tải?
Trong việc chống xe quá tải thì quan trọng nhất là trách nhiệm của người thực thi công vụ. Nếu người thực thi công vụ có tư tưởng làm không tốt, làm cẩu thả, không đúng quy trình, thì sẽ gây ra những hệ lụy không đáng có.
Tổng cục Đường bộ và Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thiết bị hướng dẫn và đôn đốc thực hiện, kết nối thông tin về trung tâm để thấy họ làm hay không để khuyến khích hoặc nhắc nhở. Trách nhiệm thực thi là các địa phương. Tổng cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải để Bộ báo cáo Chính phủ về mặt hành chính. Những địa phương kiểm soát 24/24 giờ thì tuyên dương và địa phương chưa thực hiện thì phải nhắc nhở.
Việc có người cố tình phá hoại như tài xế lao xe phá trạm cân ở Hà Nam đã bị khởi tố để làm gương. Ở Hải Phòng, Huế, Tổng cục Đường bộ cũng có văn bản đề nghị xử lý lái xe không tuân thủ hướng dẫn làm hỏng trạm cân.