Hiệu quả khi đầu tư cổ phiếu
Yếu tố quyết định hiệu quả khi đầu tư cổ phiếu là kinh nghiệm tích lũy từ phía NĐT khi tham gia thị trường. Nhưng ngay cả đối với những NĐT lâu năm vẫn nhận thấy, "bài học" từ TTCK luôn mới mẻ, không lần nào giống nhau một cách hoàn toàn. Những biến động khó lường từ thị trường có khi gây nên hậu quả ngiêm trọng, làm cho nhiều NĐT chịu những khoản thua lỗ nặng nề. Đối với những NĐT mới tham gia thị trường thì điều này càng trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, họ thường đầu tư theo xu hướng bầy đàn. Cách đầu tư này khá rủi ro khi NĐT bị cuốn theo thị trường, đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu dựa trên cảm tính. Điểm mấu chốt ở đây là NĐT mới tham gia thị trường không xác định được thời điểm chính xác bán ra hay mua vào cổ phiếu, mà cả hai thời điểm này có tính chất quyết định đối với sự thành công của khoản đầu tư.
Khác với quan điểm đầu tư trung và dài hạn ("mua và nắm giữ"), NĐT lướt sóng phải xác định được thời điểm mua vào và bán ra cổ phiếu phù hợp. Điều này không dễ dàng gì đối với những NĐT thiếu kinh nghiệm với vốn kiến thức về thị trường hạn chế. Việc cắt lỗ khi cổ phiếu trên đà giảm càng trở nên khó khăn đối với NĐT. NĐT nhỏ lẻ thường cảm tính chế ngự với hy vọng giá cổ phiếu mình nắm giữ sẽ tăng trở lại. Ngược lại, việc chọn thời điểm bán chứng khoán để chốt lời cũng không dễ dàng gì, không phải NĐT nào cũng mạnh dạn chốt lời, do họ luôn nuôi hy vọng giá cổ phiếu còn tăng cao hơn. Cả mua vào và bán ra đều quan trọng đối với NĐT, điều quan trọng là NĐT đề ra những nguyên tắc phù hợp với tiêu chí đầu tư của riêng mình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Loại bỏ khỏi danh mục những cổ phiếu không sinh lời
Phản ứng sáng suốt của NĐT khi tiếp nhận thông tin không thuận lợi được công bố là việc bán ra cổ phiếu của DN đó. Điều này hết sức quan trọng do tâm lý chung của NĐT trước nguồn thông tin dẫn đến việc giảm giá cổ phiếu nhiều phiên tiếp theo đó. Như vậy, việc bán ra và tái đầu tư khoản tiền đó vào một cổ phiếu tiềm năng khác là hoàn toàn cần thiết. Đối với các cổ phiếu nhỏ lẻ, các chỉ số cơ bản tốt và DN làm ăn có lãi nên giá cổ phiếu được đẩy lên mức cao, NĐT nên xác định thời điểm tốt để bán ra cổ phiếu này khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, có sự thay đổi theo chiều hướng xấu về tình hình hoạt động kinh doanh hay các chỉ số tài chính căn bản của DN đó. Ngoài ra, NĐT cần tỉnh táo để phân biệt và hấp thụ thông tin từ những thông tin được công bố, bởi hơn hết, tính trung thực của thông tin sẽ quyết định sự thành công hay thất bại việc đầu tư của bạn. Điều này càng trở nên rủi ro hơn khi những thông tin thiếu khách quan và được bóp méo theo chủ quan của đối tượng đứng đằng sau có động cơ tác động lên giá cổ phiếu để kiếm lời cho riêng họ.
Khi nào nên bán ra cổ phiếu
Các nhà đầu tư có kinh nghiệm thường xác định luôn mức bán ra đạt kỳ vọng ngay sau khi mua vào cổ phiếu nào đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào thị trường cũng thuận theo dự đoán, nhà đầu tư cần linh động để kịp thời phản ứng. Nhà đầu tư có thể tìm đọc những báo cáo từ các chuyên viên phân tích để có thể nhận định khách quan và chính xác hơn. Quyết định cuối cùng được đưa ra rất quan trọng. Không phải lúc nào nhà đầu tư cũng có thể bán được cổ phiếu với mức giá cao nhất hay mua được cổ phiếu với mức giá rẻ nhất, nhưng việc đầu tư có kế hoạch và mục tiêu cụ thể sẽ giảm được rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Khi nhà đầu tư mua vào một cổ phiếu nào đó với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ lên thì việc bán ra do cổ phiếu quay đầu giảm giá không đúng theo dự tính với sự hỗ trợ của các biện pháp kỹ thuật hết sức quan trọng, nhà đầu tư thực hiện cắt lỗ là hành động sáng suốt trong trường hợp này.
Tư duy logic và khả năng quan sát thị trường
Rất nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu theo cảm tính, mà không dựa trên những căn cứ có cơ sở và lập luận logic. Động thái mua vào hay bán ra cần được cân nhắc và kiểm soát kỹ lưỡng để tránh thua thiệt trong đầu tư. Đầu óc minh mẫn và khả năng phán đoán luôn đi cùng nhau là vô cùng cần thiết, bởi nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường cần vận dụng tất cả kinh nghiệm, sự hiểu biết, kiến thức hay thậm chí cả những mánh khóe và linh cảm cũng đôi khi hỗ trợ rất nhiều. Khi thị trường đi xuống thì dù đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng khó tránh khỏi thua lỗ. Thời điểm này, hành động cần thiết cho nhà đầu tư là rút một phần hay toàn bộ khoản đầu tư của mình ra khỏi thị trường và chờ đợi cơ hội mới, bởi "còn tiền là còn cơ hội". Nhà đầu tư nên bắt đầu thu hồi vốn bằng việc bán ra những cổ phiếu đầu tư rủi ro cao, sau đó sẽ đến nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ lẻ có nguy cơ giảm giá mạnh hơn so với thị trường. Những cổ phiếu blue-chip, giá cả có tính chất ổn định thì có thể giữ lại hay bán một phần tùy vào từng nhà đầu tư. Khi có độ nhạy bén nhất định đối với thị trường thì nhà đầu tư có thể đón đầu cơ hội trong xu thế giá tăng đi ngược lại so với thị trường. Những cổ phiếu này thường mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng rủi ro không kém khi nhà đầu tư mua phải cổ phiếu kém chất lượng, hay đây chỉ là động cơ tìm kiếm lợi nhuận của những cá nhân thao túng giá các cổ phiếu nhỏ lẻ. Do đầu tư lướt sóng ngắn hạn nên nhà đầu tư không nên quá lệ thuộc vào phân tích cơ bản, mà cần tận dụng những biến động của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận.