Anh Bùi Văn Thanh, nhà đầu tư tham gia sàn phái sinh từ những ngày đầu cho hay, số lượng sản phẩm giao dịch đến nay vẫn chỉ có hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, nên có thêm hợp đồng tương lai trên các chỉ số khác như VN50 hoặc VN100, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Trong khi đó, so với thị trường chứng khoán Thái Lan, một thị trường có nhiều nét tương đồng, Việt Nam thiếu các sản phẩm phái sinh với tài sản cơ sở là hàng hoá, tiền tệ, lãi suất.
Đáng chú ý, thống kê cho thấy, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh hầu hết là nhà đầu tư cá nhân, tỷ trọng giao dịch thường xuyên chiếm trên 90%, thậm chí có nhiều thời điểm lên đến 98 - 99%. Trong khi đó, sự tham gia tích cực từ phía nhà đầu tư tổ chức là “thông lệ” của các thị trường chứng khoán thế giới.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, từ đầu quý II/2019, thị trường chứng khoán phái sinh đã chứng kiến sự tham gia tích cực hơn từ phía nhà đầu tư tổ chức, tỷ trọng giao dịch trong tháng 7 đạt trên 8%, cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường phái sinh Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh do cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các sản phẩm mới để bắt kịp với các thị trường chứng khoán khu vực. Có thêm sản phẩm mới sẽ giúp các tổ chức có khả năng đa dạng hóa chiến lược đầu tư, tạo điều kiện để đối tượng nhà đầu tư này tăng cường tham gia thị trường.
Trên bình diện thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán nói chung, VNDIRECT cho rằng, việc cơ quan quản lý cần làm nhất hiện nay là giải quyết vấn đề về room ngoại, hoặc có các sản phẩm giúp nhà đầu tư ngoại vượt qua rào cản giới hạn tỷ lệ sở hữu như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Đại diện Công ty Chứng khoán VPS nhận xét, thị trường chứng khoán phái sinh phát triển khá nhanh, song quy mô còn nhỏ, khối lượng giao dịch mỗi phiên dao động quanh ngưỡng 100.000 hợp đồng và có xu hướng giảm từ đầu năm trở lại đây. Quy mô nhỏ khiến một bộ phận nhà đầu tư lớn có thể thao túng thị trường để thu lợi, dẫn đến mất niềm tin của nhà đầu tư, nhất là các cá nhân nhỏ lẻ. Ngoài ra, chứng khoán phái sinh đang được các nhà đầu tư sử dụng sai mục đích chính, chủ yếu là đầu cơ nhằm hưởng chênh lệch giá trong phiên, thay vì coi đây là một công cụ phòng ngừa rủi ro cho chứng khoán cơ sở.
Đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, tính hiệu quả của thị trường chưa cao, thể hiện qua sự biến động của giá chứng khoán phái sinh và cơ sở (VN30) nhiều lúc thất thường, gây ra rủi ro trong quá trình đầu cơ, đồng thời rất khó để tiến hành phòng ngừa rủi ro cho chứng khoán cơ sở.
Nhằm giúp nhà đầu tư hiểu rõ bản chất và cách thức đầu tư vào chứng khoán phái sinh, việc đào tạo và truyền thông về sản phẩm phái sinh cần được đẩy mạnh.
Hiện vẫn còn một lượng lớn nhà đầu tư giao dịch ở các kênh không chính thống như forex (chỉ số ngoại tệ), tiền ảo chưa quan tâm đến thị trường phái sinh Việt Nam. Tất nhiên, không thể nói thị trường phái sinh có thể thay thế hoàn toàn các nhu cầu đó, nhưng ở một thị trường chính thống và phù hợp với dòng tiền đầu cơ như thị trường phái sinh, tiềm năng thu hút dòng vốn ngầm chảy trong các kênh đầu tư phi chính thống là rất lớn.
Cần thời gian để sản phẩm phái sinh tăng vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro
Trên các thị trường thế giới, thông thường, giá các hợp đồng tương lai rất khớp với giá lý thuyết tính được. Thị trường phái sinh Việt Nam, tuy không còn xa lạ nhưng thời gian phát triển chưa lâu, nên cần thêm thời gian và cần thay đổi nhỏ giúp thị trường phát triển đúng với mục đích của sản phẩm tài chính này. Việc thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân không phải là nguyên nhân khiến sản phẩm phái sinh chủ yếu được sử dụng là công cụ đầu cơ, mà là do tính chất của thị trường Việt Nam hiện nay.
Cách tốt nhất để nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp tham gia vào thị trường phái sinh là giá trị của sản phẩm gần giống với giá trị lý thuyết. Đối với các nhà đầu tư tổ chức, mục đích sử dụng hợp đồng tương lai chủ yếu là phòng ngừa rủi ro. Do đó, khi giá trị sản phẩm giống với giá lý thuyết, nhà đầu tư có thể tự tin dùng sản phẩm để phòng ngừa rủi ro mà không phải chịu thêm những rủi ro khác như hiện nay.