Sàn phái sinh cần thêm nhà đầu tư tổ chức

(ĐTCK) Thiếu cơ chế tiếp sức cho việc phát triển nhà đầu tư tổ chức đang tác động bất lợi đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh cũng như thị trường cơ sở.
Sàn phái sinh cần thêm nhà đầu tư tổ chức

Nhà đầu tư cá nhân áp đảo, đa phần là đầu cơ

Về lý thuyết, khi TTCK cơ sở đi xuống thì TTCK phái sinh với bản chất là công cụ phòng ngừa rủi ro sẽ có thanh khoản và khối lượng hợp đồng mở (OI) tăng lên, nhưng thực tế nhiều khi không diễn ra như vậy. Đơn cử, trong tháng 4/2019, cùng với sự đi xuống của thị trường cơ sở, giao dịch trên thị trường phái sinh giảm mạnh so với tháng 3, khối lượng giao dịch bình quân giảm 40,45%, OI thời điểm cuối tháng giảm gần 11%.

Không thể phủ nhận, thị trường phái sinh có bước phát triển nhanh về giá trị giao dịch. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đó nhờ vào lực lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 4/2019 giảm so với tháng 3, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 92,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tăng lên, nhưng mới đạt tỷ trọng 6,84%. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,27% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

“Từ thực tế số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, diễn biến trên TTCK phái sinh trong tháng 4 vừa qua càng chứng tỏ tính chất đầu cơ cao trên thị trường này, chứ chưa đúng bản chất là công cụ phòng ngừa rủi ro.

Nhà đầu tư trên sàn phái sinh đa phần tranh thủ lướt sóng, mua bán kiếm lời trong ngắn hạn. Bởi vậy, khi thị trường cơ sở thiếu vắng thông tin hỗ trợ, cộng với những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư cảm thấy ít có cơ hội kiếm lời nên hạn chế giao dịch.

Trên sàn phái sinh, dù giá tăng hay giảm thì nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm lời nếu nhận định đúng xu hướng, nhưng diễn biến thực tế không phải lúc nào cũng theo lý thuyết, bởi sự tác động tâm lý của đông đảo nhà đầu tư cá nhân. Rủi ro này là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường phái sinh gần đây giảm mạnh”, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán thuộc khối ngân hàng chia sẻ.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết lý giải thêm nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường phái sinh suy giảm là do chi phí tăng. Trước đây, nhà đầu tư được miễn, giảm phí giao dịch chứng khoán phái sinh, nên hào hứng tham gia. Nay phải trả phí giao dịch, cộng thêm một số khoản phải nộp cho Sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán nên khi lỗ, họ lỗ nhiều hơn, còn lãi thì ít đi, dẫn đến tâm lý hứng khởi giao dịch qua đi.

“Vấn đề đáng quan ngại là nhà đầu cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo và đa phần là đầu cơ, trong khi nhà đầu tư tổ chức giao dịch không đáng kể, nên thị trường phái sinh không phát huy được vai trò là công cụ phòng vệ rủi ro cho danh mục cơ sở”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói. 

Cần phát triển nhà đầu tư tổ chức

Ghi nhận nhiều ý kiến từ thị trường, việc thiếu nhà đầu tư tổ chức kéo dài tác động đến sự phát triển của sàn phái sinh nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung trong cả hiện tại và tương lai.

Trên thực tế, việc triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ bị trì hoãn có nguyên nhân liên quan đến việc khó khăn trong tìm sức cầu, nhà đầu tư cho sản phẩm này. Bởi vậy, việc sớm có giải pháp tiếp sức cho phát triển nhà đầu tư tổ chức nên là một trong những ưu tiên trong hoạt động điều hành, cũng như hoàn thiện chính sách của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian tới.

Để hỗ trợ phát triển nhà đầu tư tổ chức, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nên xem xét ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động đầu tư qua các quỹ nói chung, hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán phái sinh nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu khi triển khai sản phẩm mới.

Đây là điều Việt Nam nên làm thông qua tham khảo kinh nghiệm từ các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thực hiện thêm các bước cải cách về cơ chế giao dịch, từ đó tạo sự thông thoáng trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK phái sinh.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư tổ chức là các công ty quản lý quỹ bị “cấm cửa” đầu tư chứng khoán phái sinh, trong khi họ có nhu cầu giao dịch. Cùng với yêu cầu các tổ chức này gia tăng minh bạch thông tin, nhất là về dòng vốn đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép họ đầu tư một tỷ lệ nguồn vốn nhất định vào chứng khoán phái sinh.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục