Tháng 4, sàn phái sinh giảm 40% thanh khoản

(ĐTCK) Trong tháng 4/2019, thanh khoản trên sàn chứng khoán phái sinh giảm trên 40% so với tháng 3. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tiếp tục tăng, nhưng cơ hội kiếm lời ngày càng khó khăn.
Tháng 4, sàn phái sinh giảm 40% thanh khoản

Thống kê giao dịch chứng khoán phái sinh trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 4/2019, bình quân mỗi phiên có 80.729 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được chuyển nhượng, giảm 40,5% so với mức bình quân 126.052 hợp đồng/phiên trong tháng 3.

Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tăng theo từng tháng, thời điểm cuối tháng 4 đạt 70.112 tài khoản, tăng hơn 4% so với cuối tháng 3 và tăng 21,5% so với đầu năm.

Thực tế cho thấy, thanh khoản trên sàn phái sinh chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của chỉ số VN30 cũng như mức độ biến động của chỉ số này. Theo đó, sàn phái sinh thường sôi động khi VN30 tăng điểm và có mức độ biến động cao trong phiên.

Bởi lẽ, thị trường cơ sở tăng điểm khiến tâm lý nhà đầu tư phấn khởi, tâm lý e ngại rủi ro giảm, dẫn đến gia tăng giao dịch. Tất nhiên, trong mỗi giao dịch thành công đều có một bên mua và một bên bán, tức bên mua lạc quan thì bên bán bi quan, nhưng nhìn chung, bên mua có ảnh hưởng đến giá cũng như thanh khoản nhiều hơn. Khi giá chứng khoán phái sinh biến động mạnh theo chỉ số cơ sở sẽ tạo ra cơ hội “lướt sóng” hưởng chênh lệch giá, giúp thanh khoản tăng cao.

Do sàn phái sinh có cơ chế giao dịch đối ứng liên tục, ghi nhận lãi/lỗ ngay lập tức, nên đa số nhà đầu tư thực hiện chiến lược lướt sóng. Cụ thể, nhà đầu tư mở vị thế mua (mua vào hợp đồng) khi dự đoán giá tăng, sau khi thấy giá tăng sẽ bán ra ngay để hiện thực hóa lợi nhuận. Ngược lại, nhà đầu tư mở vị thế bán (bán ra hợp đồng) khi dự đoán giá giảm, sau khi thấy giá giảm sẽ mua lại ngay để thu lời. Số lần lướt sóng trong phiên phụ thuộc vào diễn biến nhanh hay chậm và mức độ biến động nhiều hay ít của giá hợp đồng tương lai cũng như chỉ số VN30.

Trong tháng 4/2019, chỉ số VN30 nhìn chung có diễn biến kém khả quan, dao động chậm trong biên độ hẹp, nên cơ hội dành cho nhà đầu tư lướt sóng giảm mạnh. Những phiên cuối tháng 4 và đầu tháng 5, nhà đầu tư chỉ quay vòng vốn khoảng 3 lần/phiên, so với mức phổ biến 6 - 7 lần/phiên trong năm ngoái.

VN30 có điểm số dưới mức 900 điểm nên mỗi hợp đồng có giá trị danh nghĩa dưới 90 triệu đồng (nhà đầu tư ký quỹ khoảng 20 triệu đồng là có thể giao dịch). Theo đó, một điểm biến động của giá tương đương mức lãi hoặc lỗ 100.000 đồng/hợp đồng. Mức lãi thực tế ít hơn, còn mức lỗ thực tế nhiều hơn, vì nhà đầu tư phải nộp thuế và phí cho mỗi lần mua/bán (thuế thu nhập, phí môi giới cho công ty chứng khoán, phí giao dịch cho Sở giao dịch, phí quản lý vị thế và phí quản lý tài sản ký quỹ cho VSD).

“Thời gian qua, thị trường lình xình kéo dài, cơ hội kiếm lời ít nên nhà đầu tư hạn chế giao dịch. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư rời bỏ thị trường phái sinh vì thua lỗ”, môi giới tại một công ty chứng khoán nói.

Theo thống kê của HNX, trong tháng 4, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước suy giảm, chiếm 92,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường so với mức 97,64% trong tháng 3 và các mức cao hơn trong những tháng trước đó. Giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tăng mạnh, chiếm 6,84%, gấp 3,2 lần so với tháng 3. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 chiếm 0,27% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

“Nhà đầu tư tổ chức, bao gồm bộ phận tự doanh của khối công ty chứng khoán tăng cường tham gia thị trường phái sinh, nhưng tỷ trọng giao dịch vẫn ở mức rất thấp. Tại công ty tôi, bộ phận tự doanh chưa tham gia, chuyên gia phân tích kỹ thuật cũng chỉ tập trung viết báo cáo phân tích cho khách hàng”, vị môi giới trên chia sẻ.

Liên quan đến báo cáo phân tích kỹ thuật về thị trường phái sinh, một nhà đầu tư cho rằng, hàng sáng hoặc tối hôm trước, hầu như báo cáo nào cũng đưa ra hai kịch bản cho ngày giao dịch mới: Nếu thế này thì thị trường tăng, còn nếu thế kia thì thị trường giảm. Nhà đầu tư không biết thế nào, rất hên - xui.

“Tôi từng chuyển sang công ty chứng khoán khác vì được giới thiệu là có báo cáo phân tích chất lượng, nhưng theo dõi một thời gian thì thấy tỷ lệ dự báo đúng không cao hơn sai là mấy, nên kết quả đầu tư cũng chẳng khá hơn trước. Thỉnh thoảng lãi được một chút thì đùng một cái lại mất. Đó là chưa kể, thị trường có những yếu tố bất ngờ xuất hiện, rất rủi ro”, nhà đầu tư nói. Chẳng hạn, phiên ngày 6/4, thị trường đỏ lửa vì vài dòng trên Tweet của Tổng thống Mỹ, đe dọa sẽ nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.

“Trước đây, tôi giao dịch chứng khoán phái sinh hàng ngày, nhưng giờ đây quyết tâm hạn chế giao dịch, chờ cơ hội tốt mới tham gia”, nhà đầu tư cho hay.               

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ