1. Cơ cấu tổ chức công ty có biến động bất ổn
Nếu những nhà quản lý, người đứng đầu chịu trách nhiệm về sự thành công của DN, bắt đầu rời bỏ công ty hay công ty có sự xáo trộn về cơ cấu tổ chức, có mâu thuẫn lớn trong ban điều hành thì có thể xem đó là dấu hiệu bất lợi cho tương lai của công ty. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp sự thay đổi đó sẽ đem lại cho công ty một hướng phát triển tốt hơn, nếu đó là một ban điều hành mới mà cổ đông kỳ vọng. Vì thế, NĐT cần theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân thay đổi. Nếu phát hiện dấu hiệu cho thấy sự xáo trộn này có thể khiến công ty trở nên suy yếu trong lĩnh vực kinh doanh chính thì tốt nhất nên bán cổ phiếu của công ty đó và tìm mua cổ phiếu của công ty khác trong cùng lĩnh vực, nhưng mạnh hơn và có ban điều hành ổn định hơn.
2. Các chỉ tiêu tài chính theo hướng xấu
Khi các chỉ tiêu tài chính: ROE, ROA, P/E, EPS, P/B… theo chiều hướng xấu thì NĐT cũng không nên giữ cổ phiếu đó. Tất nhiên, để đánh giá các chỉ tiêu này là điều không hề đơn giản với không ít NĐT. Thông thường, NĐT chỉ quan tâm đến sự sụt giảm về lợi nhuận và cổ tức, vì đó là dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy tương lai của công ty gặp khó khăn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cổ tức chỉ thể hiện kết quả trong quá khứ, không có gì bảo đảm việc đó sẽ tiếp diễn trong tương lai, nên NĐT phải xem xét trước khi quyết định có nên bán cổ phiếu hay không, bởi nếu lý do không chia cổ tức nhằm tập trung vốn cho việc phát triển và mở rộng quy mô công ty thì đó có thể lại là tín hiệu tốt.
3. Thị giá cổ phiếu lớn hơn nhiều lần so với giá trị thực
Đó là biểu hiện của bong bóng chứng khoán. Nhiều NĐT dù biết rằng, cổ phiếu của mình đã vượt quá giá trị thực hàng chục lần, nhưng vẫn chưa bán đi vì hy vọng, giá sẽ còn tăng nữa. Tuy nhiên, nếu cảm thấy thị giá đã vượt qua giá trị thực chất của cổ phiếu nhiều lần thì nên bán cổ phiếu đó đi, bởi giữ lại những cổ phiếu này, đồng nghĩa với việc sẽ phải chịu rủi ro rất cao khi bong bóng vỡ.
4. Thay đổi danh mục đầu tư
NĐT có thể xem xét việc bán cổ phiếu đang sinh lời nếu nó tăng ít hơn các cổ phiếu khác hoặc tính thanh khoản không cao hoặc chỉ đơn giản muốn thay đổi danh mục đầu tư vì mỗi NĐT đều có lý do khi mua cổ phiếu. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định, nếu lý do đó không còn phù hợp nữa, mặc dù giá cổ phiếu vẫn ổn định thì NĐT cũng nên bán cổ phiếu đó đi, tạo danh mục đầu tư mới cho phù hợp với mong muốn của mình.
5. Xu hướng thị trường và cổ phiếu có dấu hiệu xấu
Nếu toàn bộ thị trường bắt đầu chấm dứt tăng giá và chuyển sang bên kia sườn dốc hay thị trường đã suy giảm và dấu hiệu bất lợi cho thấy thị trường có thể tiếp tục theo xu hướng đó thì hãy xem xét tới việc bán cổ phiếu. Vì thông thường, đa phần số cổ phiếu sinh lời sẽ theo xu hướng của toàn thị trường.
Nếu cổ phiếu của NĐT nắm giữ đã tăng giá tích cực trong 1 hoặc 2 tháng hay nhiều hơn và mức giá đó khá cách biệt với giá của những ngày trước thì NĐT cũng nên bán đi bởi thông thường đó là dấu hiệu của giai đoạn cuối trước khi cổ phiếu đảo chiều.