Một miếng khi đói…

(ĐTCK) Từ một người đang có công việc ổn định, thu nhập mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, lại vừa mua căn hộ chung cư và vay ngân hàng một nửa. Thế nhưng, giờ đây Thìn đã là người thất nghiệp…
Ảnh: Lê Toàn Ảnh: Lê Toàn

1. Mới đây, tôi có dịp theo chân một nhóm thiện nguyện mang gạo tới các khu trọ tại tỉnh Bình Dương để hỗ trợ những công nhân mất việc làm ở các khu công nghiệp của tỉnh này. Trong buổi phát gạo, tôi gặp Óc - người dân tộc Khmer, ở tỉnh Trà Vinh, là một trong số những người lao động đang cần được hỗ trợ.

Óc kể, anh theo bạn bè vào Bình Dương xin việc, nhưng chưa làm được bao lâu đã buộc phải nghỉ vì dịch Covid-19. Công ty tạm đóng cửa, cũng lạ nước lạ cái lại thêm quy định cách ly xã hội nên vợ chồng Óc chẳng biết đi đâu, hàng ngày quanh quẩn khu trọ tìm kiếm rau canh về nấu ăn cho bữa cơm bớt nhạt và mòn mỏi chờ ngày có thể đi làm trở lại.

Trong căn nhà trọ chỉ rộng chưa tới 10 m2, vài bộ quần áo của hai vợ chồng cả sạch lẫn mặc dở treo trên mấy sợi dây mắc xung quanh phòng, cùng cái ba lô đã cũ để góc nhà.

“Vợ chồng chả có nhiều đồ đạc, quần áo, vả lại cũng không có tiền mua tủ nên cứ treo lên dây cho tiện. Ban ngày mặc một bộ rồi tối về tắm, thay quần áo mặc ở nhà, vợ giặt luôn mai lại có quần áo mặc, cứ thế thay nhau. Cả ngày chỉ ở nhà nên cũng không phải mua quần áo mới làm gì. Ngày trước đi làm thì sáng mặc tối về thay, rồi giặt, mai lại có quần áo mới”, Óc nói rồi chỉ cho chúng tôi vài đồ đạc tối thiểu để duy trì cuộc sống.

Những nồi cơm điện, bếp ga… đều mang từ Trà Vinh lên để tiết kiệm. Còn chiếc quạt thì do bạn bè cho, chứ cũng không có tiền mua. Cả gia tài có giá trị trong căn phòng chưa đến 10 mét vuông ấy chính là nồi cơm điện, bếp ga mini và chiếc quạt. Hai vợ chồng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến làm ăn xa, chuyến lập nghiệp đầu tiên. Nhưng có lẽ may mắn chưa đến với đôi vợ chồng trẻ này.

Anh bảo, ở Trà Vinh, gia đình cũng thuộc hộ nghèo của xã, trước đây làm ruộng nhưng vì hạn mặn nhiều năm nay không thể trồng được gì. Óc lấy vợ sớm và hiện có 3 cậu con trai, cháu lớn nhất 10 tuổi, bé nhất là 5 tuổi, anh và vợ năm nay 27 tuổi. Thấy gia cảnh ở quê khó khăn, bạn bè có người chỉ mối làm việc ở Bình Dương được 8 - 9 triệu đồng/tháng, anh mừng lắm. Nghĩ rằng, mình cùng vợ sẽ gửi con cái ở nhà cho ông bà trông giúp, cố gắng cần cù đi làm một vài năm sẽ để dành được mấy chục triệu đồng mang về trang trải cuộc sống.

“Em nghĩ mình đi làm, được tiền mang về nuôi con cái và làm vốn để cải tạo ruộng cấy trồng. Bố mẹ em cũng già rồi, cần được nghỉ ngơi vì sức khỏe cũng yếu. Nhưng mọi chuyện không như mong muốn, vì dịch bệnh nên khó khăn quá", Óc nói.

Một miếng khi đói… ảnh 1

Từ khi nghỉ dịch đến nay gần 2 tháng, vợ chồng Óc chật vật sống qua ngày. Tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền điện nước… khiến vợ chồng quay cuồng. Óc nói, khi quyết định lên Bình Dương làm chưa nghĩ đến những khó khăn, những khoản tiền phải chi trả lại nhiều đến thế.

Không chỉ có những công nhân nghèo mới nhập cư như Óc thất nghiệp, khó khăn, mà không ít những người đã ở thành phố lớn từ lâu lại có trình độ cũng chung cảnh ngộ.

Tôi và Thìn cùng quê, cùng vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong đám bạn “Nam tiến” với tôi, Thìn là người may mắn vì cậu ra trường xin được vào làm việc cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, được đi nhiều nơi, lương hơn 20 triệu đồng/tháng, một mức lương mơ ước của nhiều người sống ở Sài Gòn hiện nay. Năm 2016, Thìn lấy vợ, rồi sau đó anh mua nhà Sài Gòn. Căn chung cư đó dù cũng khá xa trung tâm và diện tích không lớn nhưng cũng đã là cố gắng lớn của hai vợ chồng. Thìn cho biết anh phải vay ngân hàng một nửa và hàng tháng trả lãi và gốc khoảng hơn 10 triệu đồng. Tết vừa rồi, gặp nhau ở quê, Thìn khoe giờ cậu đi làm chính, vợ chỉ ở nhà chăm con và năm 2020 cậu sẽ có nhiều dự định, trong đó có việc sẽ cùng bạn góp vốn mở công ty riêng.

Thế nhưng, đời không như mơ, mới đây Thìn gọi điện cho tôi thông báo công ty đã đóng cửa, và hỏi tôi có việc gì xin giúp cho cậu ấy làm, để có thể có tiền lo cho gia đình và hàng tháng trả lãi ngân hàng. Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, ngành du lịch là một trong những ngành ảnh hưởng nặng nề nhất, nhân sự trong công ty Thìn hầu hết nghỉ việc, tứ tán về quê. Ban lãnh đạo cho biết công ty đã gồng mình hết mức nhưng không thể vượt qua được vì dịch kéo dài.

Cũng như Thìn, trong lần đi tìm hiểu viết bài về một điểm phát gạo từ thiện tại quận 3, tôi gặp Dũng, một người bạn đã quen biết từ lâu. Dũng kể, từ một trưởng phòng kinh doanh một công ty môi giới bất động sản có trụ sở tại quận 2, TP.HCM, anh đã nghỉ ở nhà hơn tháng nay vì dịch bệnh kéo dài, công ty không có sản phẩm bán và giám đốc quyết định đóng cửa, trả mặt bằng vì mỗi tháng không thể bỏ ra hàng trăm triệu để thuê văn phòng cũng như các chi phí khác. Cái xui của Dũng là cả hai vợ chồng đều làm cùng công ty và cùng mất việc nên khó khăn vô cùng, nhà hết đồ ăn, cuối cùng Dũng phải nhờ cậy đến cây ATM gạo từ thiện.

2. Dịch bệnh đang đẩy bao phận người vào khó khăn. Có người bảo, lúc này người nghèo, người thất nghiệp ở phố khổ hơn người nông thôn, vì dẫu gì làng quê cũng sẵn hơn con tép, mớ rau, vật giá cũng dễ thở hơn nơi đô thị. Nhưng dường như cũng trong khó khăn, tình người lại có điều kiện để nảy nở hơn. Từ câu chuyện cây ATM gạo mọc lên khắp cả nước đến những siêu thị 0 đồng, rồi chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền của Nhà nước đến những người mất việc, các đối tượng yếu thế… đang trong giai đoạn sàng lọc danh sách để đảm bảo các khoản hỗ trợ đến đúng người.

Mới đây, Óc gọi tôi thông báo vừa được chủ nhà trọ miễn phí tiền nhà trọ hai tháng cho vợ chồng anh, lại có nhiều nhà hảo tâm giúp gạo, đồ ăn nên giờ tình hình cũng đã ổn hơn. Tuần này hai vợ chồng cũng đã được công ty thông báo về lịch đi làm trở lại, dẫu chỉ làm việc luân phiên, ngày làm ngày nghỉ nhưng như thế cũng đã là quá tốt.

Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đúng là trong đại dịch người ta mới thấy thật quý trọng những phút giây được “sống bình thường”, được đi làm ca và nhận đồng lương hàng tháng.

Có người nói, Covid-19 sẽ khiến thế giới không bao giờ quay trở lại được diện mạo như trước kia. Dịch bệnh sẽ chấm dứt, tình trạng bình thường sẽ quay lại, nhưng đó sẽ là "tình trạng bình thường mới", mà mỗi người sẽ phải sống khác đi, phải tự thích nghi với những thay đổi.

Còn ở Việt Nam, dù những tác động của dịch bệnh là vô cùng lớn và chưa thể đo đếm hết, nhưng nó cũng đem lại những niềm hy vọng lớn. Đó là mối quan hệ giữa người với người khi khó khăn bỗng trở nên ấm áp, gần gũi hơn - điều mà chúng ta vốn tưởng đã phai nhạt trong một xã hội chuyển dần sang quy luật kinh tế thị trường.

Không chỉ là một cộng đồng đoàn kết, tuân thủ cao trong phòng dịch, dập dịch, những người yếu thế đã thực sự không bị bỏ lại phía sau với những hỗ trợ từ Chính phủ, từ các hội đoàn đến từng cá nhân.

Thật ấm lòng khi thấy cả xã hội chung tay đỡ đần cho những người lao động nghèo đang điêu đứng vì đại dịch Covid-19. Trong khi phần lớn hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, các hoạt động tương thân tương ái lại nở rộ khắp nơi… Đó chính là văn minh cộng đồng được thể hiện ở cấp độ cao, bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, quyền sống, quyền được tiếp cận các nhu cầu tồn tại thiết yếu là quyền tối thượng của bất cứ thành viên nào trong xã hội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục