Thị trường bất động sản: Khó khăn mới lộ anh tài

(ĐTCK) Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên thị trường bất động sản đã hiện diện rất rõ. Bên cạnh những doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng thì cũng có không ít doanh nghiệp tận dụng cơ hội để bứt lên.
Nhiều doanh nghiệp tận dụng thời gian thị trường đứng hình vì Covid-19 để tái cấu trúc, nhằm trở lại một cách nhanh nhất và mạnh mẽ ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Shutterstock Nhiều doanh nghiệp tận dụng thời gian thị trường đứng hình vì Covid-19 để tái cấu trúc, nhằm trở lại một cách nhanh nhất và mạnh mẽ ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Shutterstock

Điêu đứng vì Covid-19

Chi hơn 50 tỷ đồng cho quảng cáo bán hàng trong gần 1 năm qua và mở bán thử vào quý III/2019, dự kiến sẽ bán chính thức vào quý I/2020. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, toàn bộ kế hoạch bán hàng của dự án này đều bị ngừng lại.

Đó là câu chuyện mà giám đốc một doanh nghiệp có dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận buồn bã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp khác đang triển khai dự án nhà ở hơn 13 ha tại Long An cũng cho biết, hiện công ty đã cho nhân viên kinh doanh làm việc tại nhà, tất cả các kế hoạch bán hàng hiện nay bắt buộc phải dừng lại, một phần do tác động của dịch bệnh, một phần cũng muốn bảo vệ sức khỏe của nhân viên và khách hàng của mình.

Câu chuyện khó khăn của thị trường bất động sản đã được đưa ra bàn luận, mổ xẻ, thậm chí là có những điểm sáng sau khi chính quyền địa phương đặt sự quan tâm nhiều hơn đối với sự sống còn của thị trường.

Đó cũng là lý do 2 doanh nghiệp trên, cũng như nhiều doanh nghiệp địa ốc khác lên kế hoạch tung hàng trong đầu năm 2020, nhưng điều bất ngờ không ai đoán trước lại ập đến, đó là dịch bệnh Covid-19. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến mọi kế hoạch đưa ra trước đó của các doanh nghiệp đều phá sản.

Việc các chủ đầu tư dừng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến các sàn môi giới và môi giới cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, một doanh nghiệp chuyên phân phối độc quyền sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cho Tập đoàn FLC cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp.

“Để chuẩn bị bán một dự án tại Quy Nhơn vào tháng 2/2020, chúng tôi đã phải chi 3 tỷ đồng để giới thiệu sản phẩm và mua vé máy bay cho khách hàng quan tâm đến thăm dự án…, nhưng vì dịch Covid-19, tất cả phải dừng lại. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi phải chi tiếp số tiền tương đương để giới thiệu dự án, trong khi tiền hoa hồng bán hàng vẫn không thay đổi…”, ông Hậu nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Savills nhận định, dịch Covid-19 đã làm suy yếu triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, gây tổn thất tới mọi loại hình sản phẩm. Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó tới văn phòng và bất động sản công nghiệp.

“Từ sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 3/2020, nhiều chủ đầu tư và cả những công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người, hạn chế các sự kiện trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Sơn nói.

Qua được khó khăn mới biết ai bản lĩnh

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động lên tất cả các doanh nghiệp bất động sản. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…

“Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này”, ông Châu nhấn mạnh.

Thực ra, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Theo ông Châu, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

“Các doanh nghiệp lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất - kinh doanh đa ngành để ứng phó hiệu quả với biến động của thị trường. Đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản”, ông Châu khuyến nghị.

Trên thực tế, việc nhiều doanh nghiệp đang cố cầm cự hoạt động khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn chủ yếu nhờ vào nguồn vốn còn lại được tích lũy từ nhiều năm trước đó, đến khi dòng tiền không còn nữa thì việc “tan rã” là điều không thể tránh khỏi. Song, cũng có không ít doanh nghiệp nhờ có nguồn vốn dồi dào và nhạy bén trong chiến lược phát triển, đã tận dụng khó khăn của thị trường làm bàn đạp bứt phá.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, công ty này vừa áp dụng phần mềm Fastkey của Property Guru (Singapore) vào việc bán hàng tại dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức, TP.HCM). Đây là công nghệ được Công ty mua lại bản quyền có sẵn của đối tác với công năng quản lý thông tin bán hàng bằng phần mềm Fastkey.

“Với phần mềm này, nhân viên môi giới sẽ sử dụng máy tính bảng để tư vấn bán hàng, các giao dịch đặt chỗ, chuyển cọc một cách thuận tiện, chính xác và minh bạch. Ngoài ra, phần mềm có thể chứa tất cả thông tin về sản phẩm bao gồm bản đồ, chính sách bán hàng, thiết kế và video nội thất, cảnh quan rất tiện lợi”, bà Hương cho biết.

Tương tự, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Sea Holdings cho rằng, dịch Covid-19 vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho Sea Holdings. Theo ông Phương, cơ hội của doanh nghiệp trong giai đoạn này là có thời gian nhìn lại tiến trình đã bước đi, tập trung hoàn thành sớm tiến độ dự án The Pearl Riverside (Bến lức, Long An) và tái cơ cấu lại nội bộ của doanh nghiệp.

“Hiện tại, chúng tôi đã cho các nhân viên kinh doanh làm việc tại nhà để đảm bảo sức khỏe, cũng như học các khóa học online về công nghệ bán hàng. Song song với đó là tái cơ cấu lại nội bộ công ty, bởi lâu nay chúng tôi không có thời gian làm việc đó. Giờ thời gian có nhiều, chuẩn bị xong mọi thứ và chờ thời gian bứt phá”, ông Phương nói và cho rằng, khó khăn đã nói quá nhiều, doanh nghiệp không cầm cự nỗi do khó khăn cũng không ít, song đây là giai đoạn thử thách, qua được thử thách này thì mới thực sự là bản lĩnh của doanh nghiệp.

Nhận diện về những cơ hội của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong mùa Covid-19, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch vẫn chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

“Khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”, ông Sơn phân tích.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục