Giữa tuần vừa rồi, trong vai người có nhu cầu mua nhà, phóng viên Đầu tư Bất động sản đến thăm quan một vài dự án chung cư tại khu vực phía Tây Nam Hà Nội. Đến dự án nào cũng thấy quang cảnh tấp nập xung quanh dự án. Chỉ cần vừa đỗ xe, đã có tới 5 - 7 nhân viên môi giới xúm lại hỏi: "Anh mua nhà phải không?", "Anh cần loại căn hộ nào, bao nhiêu m2?", hay "Anh cứ đỗ xe lại em tư vấn cho chi tiết, giá ưu đãi nhất"…
Sau một hồi tỏ vẻ không ưng ý, phóng viên xin phép có việc gấp phải ra về và cần thời gian cân nhắc. Trước khi kịp nổ máy, những nhân viên này vẫn còn kịp dúi vào tay phóng viên một đống tờ rơi quảng cáo về dự án, kèm theo thông tin liên lạc với môi giới.
Thực tế, những cảnh tượng này không còn lạ lẫm tại nhiều dự án bất động sản đang mở bán vài tháng gần đây. Khác xa so với cảnh vắng vẻ cách đây chừng vài tháng, càng về cuối năm, số lượng môi giới càng tăng mạnh để phục vụ mùa mua nhà cuối năm.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc số lượng môi giới gia tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua là một tín hiệu mừng, cho thấy sự sôi động của thị trường tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, cũng có không ít “cò đất” xuất hiện, cạnh tranh với các môi giới thứ thiệt.
Trong đó, dễ thấy nhất là việc các “cò đất” tự tạo ra các trang tin bán hàng dưới mác là đại diện phân phối độc quyền cho dự án của chủ đầu tư, nhưng lại cung cấp sai thông tin, đôi khi lập ra một kiểu, nhưng khi khách hàng tìm đến lại giới thiệu một kiểu, gây tiếng xấu cho các nhân viên môi giới đích thực, cũng như uy tín của chủ đầu tư.
Kể về câu chuyện thực tế khi tham gia tư vấn chiến lược cho một công ty phân phối địa ốc thời gian vừa qua, ông Phạm Bình Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BMS Group Global cho biết, nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện đang tuyển dụng nhân sự môi giới địa ốc ồ ạt, nhưng lại không quan tâm đến chất lượng của đội ngũ nhân viên môi giới này. Thậm chí, không đào tạo hoặc đào tạo rất kém các kỹ năng cho việc nhân viên mới, khiến cho việc quy mô tăng nhân sự tăng, nhưng chất lượng không tương xứng.
“Vấn đề nằm ở việc cần phải hiểu môi giới là gì và môi giới cần phải làm gì. Không có nghĩa cứ am hiểu thị trường là đã môi giới thành công, mà phải xác định được sản phẩm của mình ở đâu và như thế nào. Chẳng hạn, muốn phân phối cho một thương hiệu lớn, sàn giao dịch cũng phải tầm cỡ, chứ không thể bé tin hin vài chục m2 trên nóc một chung cư nào đó. Tất nhiên, thực tế có thể không diễn ra hoàn toàn như vậy, nhưng ý tôi muốn nói về những yếu tố căn bản để trở thành môi giới chuyên nghiệp rất khác so với những gì mà mọi người nghĩ", ông Minh chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, phát triển một dự án bất động sản thành công phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ quy hoạch, thiết kế, hoàn thiện giấy tờ thủ tục pháp lý, thi công... Nếu kiêm nhiệm thêm cả hoạt động bán hàng, chủ đầu tư sẽ không thể thực hiện nổi, bởi khâu này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn, do đó, giải pháp khả thi là tìm kiếm đơn vị phân phối các sản phẩm cho mình.
“Không phải đơn vị phân phối nào cũng được lựa chọn để hợp tác, mà phải lựa chọn các đơn vị có đội ngũ chuyên nghiệp, mới đảm bảo cho các sản phẩm của mình ra thị trường được đón nhận một cách rộng rãi, cũng như đảm bảo được uy tín của chủ đầu tư trong việc phát triển các dự án”, ông Dũng nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com