Một doanh nghiệp Việt được phép nhập ô tô tay lái nghịch

Bộ Giao thông Vận tải vừa đồng ý cho một doanh nghiệp nhập khẩu 6 chiếc ô tô cơ sở (khung gầm cabin) tay lái nghịch (tay lái bên phải) nhằm mục đích gia công cho đối tác nước ngoài.
Cho đến nay, việc nhập xe tay lái nghịch vào Việt Nam vẫn rất khó khăn (Ảnh minh họa) Cho đến nay, việc nhập xe tay lái nghịch vào Việt Nam vẫn rất khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo đó, công ty này sẽ nhập 6 chiếc xe cơ sở khung gầm cabin nhãn hiệu Mitsubishi Fuso Canter FE7… để gia công cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký từ năm ngoái.

6 chiếc xe này được doanh nghiệp lý giải là nhằm lắp ráp thùng ô tô cứu hỏa lắp trên ô tô sát xi…

Tuy nhiên, để đảm bảo việc nhập khẩu này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của công trình gia công, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp phải tái xuất số xe kể trên trong vòng không quá 12 tháng kể từ khi hoàn thành các thủ tục hải quan tạm nhập.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu doanh nghiệp không được bán, chuyển nhượng, tiêu hủy hoặc tiêu dùng tại Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.

Hiện nay, quy định của Việt Nam quản lý khá chặt chẽ với các loại xe có tay lái nghịch (lái bên phải).

Cụ thể Nghị định số 80/2009/NĐ-CP quy định xe tay lái nghịch được phép tham gia giao thông tại Việt Nam phải là xe ôtô chở người, thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký và gắn biển số nước ngoài.

Những chiếc xe này phải có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực.

Đồng thời, người lái xe là người có quốc tịch của quốc gia thực hiện quy tắc giao thông đi bên trái và vượt xe về bên phải, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển và có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải.

Việc lưu thông loại xe này phải căn cứ trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc đại diện tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam nêu rõ lý do phương tiện lưu thông tại Việt Nam.

Công hàm gửi đến Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để quản lý loại phương tiện này.

Các thông tin về cửa khẩu nhập cảnh và xuất cảnh, cũng như tuyến đường đi của phương tiện cũng phải được nêu rõ trong văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải.

Cơ quan Hải quan sẽ chịu trách nhiệm quản lý chính đối với thủ tục tạm nhập, tái xuất và xử lý các vi phạm liên quan đến quản lý hải quan.

Ngoài ra, khi điều khiển phương tiện người lái xe phải mang theo các loại giấy tờ đáp ứng các điều kiện nói trên cùng với giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam và chứng từ tạm nhập phương tiện.

Người lái xe phải tham gia giao thông theo đúng phạm vi và tuyến đường theo văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải, đi theo đoàn và có xe ôtô dẫn đường.

Tổ chức, cá nhân đưa xe ôtô có tay lái nghịch vào tham gia giao thông tại Việt Nam có trách nhiệm bố trí xe dẫn đường, bảo đảm an toàn giao thông khi phương tiện lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Tuy nhiên, trường hợp bất khả kháng, phương tiện được lưu lại tại Việt Nam thêm không quá 10 ngày.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục