Mong manh vùng hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vùng 1.050 - 1.100 điểm của VN-Index được coi là vùng đáy ngắn hạn, nhưng tâm lý thị trường vẫn đang yếu, dòng tiền lớn chưa có dấu hiệu nhập cuộc.
VN-Index đã đánh mất thành quả tăng từ tháng 5 đến tháng 8, trở về mức trung bình trong 4 tháng đầu năm VN-Index đã đánh mất thành quả tăng từ tháng 5 đến tháng 8, trở về mức trung bình trong 4 tháng đầu năm

Giảm nhanh hơn tăng

Phiên giao dịch thứ Năm tuần qua (26/10/2023), VN-Index giảm 4,19%, xuống 1.055,45 điểm, nâng mức điều chỉnh kể từ ngày 6/9 lên khoảng 15%. Động thái bán tháo cổ phiếu VHM và VIC của nhà đầu tư nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước khi 2 mã cổ phiếu vốn hóa lớn này giảm giá sàn ngay từ đầu phiên, tạo hiệu ứng bán ra trên toàn thị trường, tổng cộng có 123 mã giảm hết biên độ.

Như vậy, chỉ số đã đánh mất thành quả tăng từ tháng 5 đến tháng 8, trở về mức trung bình trong 4 tháng đầu năm.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận xét, yếu tố ảnh hưởng chính đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường hiện nay là diễn biến không rõ xu hướng của thị trường chứng khoán thế giới, tâm lý lo ngại rủi ro từ cuộc xung đột ở Trung Đông và tình trạng căng thẳng của tỷ giá trong nước.

“Thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy quanh ngưỡng 1.100 điểm. Diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen cùng với sự phân hóa của kết quả kinh doanh quý III sẽ là xu hướng chủ đạo trong ngắn hạn”, ông Khoa nhận định.

Xét trong trung hạn, vị chuyên gia của BSC cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ tăng trở lại cùng với chu kỳ phục hồi kinh tế. Dù các nhịp rung lắc có thể tiếp tục xuất hiện, nhưng đây là thời điểm phù hợp để lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, 1.100+/-10 điểm đang là vùng kháng cự của VN-Index. Do vậy, về mặt điểm số và tâm lý, nếu thị trường tạo 2 đáy và vượt được vùng này thì sóng hồi có thể xuất hiện, kéo dài khoảng 1,5 - 2 tháng. Tuy nhiên, mọi hành động mua mới trong thời điểm hiện tại đều tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư chỉ nên mua với tỷ trọng nhỏ, mang tính thăm dò.

Tiêu chí tìm cổ phiếu “khỏe”

Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh và bắt đầu tạo đáy sẽ có những cổ phiếu tạo đáy trước, cùng và sau so với thị trường chung, nên việc tìm ra cổ phiếu “khỏe”, có triển vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và mang lại cơ hội thu lời cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Quang nhìn nhận, thị trường đang có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn, nhưng vẫn có xác suất sẽ tạo thêm đáy sâu hơn. Mặc dù vậy, có những cổ phiếu “khỏe” hơn thị trường chung, đáng để đầu tư, trong đó có nhóm bất động sản và ngân hàng. Tiêu chí chọn lựa những cổ phiếu này là giá có quá trình giảm mạnh hơn thị trường và về vùng hỗ trợ, xác nhận tạo 2 đáy, hoặc tạo xu hướng tăng mới.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư không quá quan tâm đến điểm số của VN-Index, mà tập trung tìm kiếm cổ phiếu có yếu tố hỗ trợ, định giá hấp dẫn, doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng, dù hầu hết cổ phiếu không tránh khỏi giảm giá khi thị trường sụt giảm. Bởi lẽ, các cổ phiếu đó thường giảm ít hơn khi thị trường giảm và tăng mạnh khi thị trường tăng, nên cần mua trước để đón đầu cơ hội.

Về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng, trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế, việc lựa chọn cổ phiếu với các tiêu chí tăng trưởng EPS cao, P/E thấp, tỷ lệ đòn bẩy hợp lý, trả cổ tức đều đặn… gắn với con số cụ thể là điều không dễ dàng. Ở thời điểm này, việc lựa chọn nên chú ý đến các công ty hoạt động trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng, bộ máy lãnh đạo minh bạch, doanh thu và lợi nhuận có xu hướng cải thiện rõ ràng trong 2 quý gần nhất, kể từ quý I/2023.

Theo đó, những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong quý IV/2023 và năm 2024 bao gồm công nghệ thông tin, bất động sản công nghiệp, ngân hàng, cảng biển, dầu khí, xuất khẩu. Ngoài ra, lĩnh vực tiêu dùng cũng đáng quan tâm nếu đề xuất giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 được thông qua.

Dựa trên các tín hiệu kỹ thuật, 1.050 - 1.100 điểm đang là vùng hỗ trợ cho quá trình tạo đáy và hồi phục của thị trường. Với mức P/E khoảng 13 lần và P/B khoảng 1,7 lần (thấp hơn mức trung bình trong 5 năm gần nhất) của VN-Index hiện nay, định giá thị trường đã được điều chỉnh về mức tương đối hấp dẫn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo đầu ra cho tình trạng “thừa tiền” của ngành ngân hàng, qua đó kinh tế sẽ khởi sắc hơn kể từ quý IV/2023.

Theo Công ty Chứng khoán VietinBank, thị trường chứng khoán thường phản ánh trước diễn biến thực tế khoảng 6 tháng. Thị trường được dự báo sẽ bước vào giai đoạn tích lũy từ cuối tháng 10, sau đó tăng, VN-Index có thể đạt 1.200 - 1.250 điểm vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị áp dụng chiến lược tích sản cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng tăng trưởng trong các phiên điều chỉnh của thị trường.

Hiện tại, nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị áp dụng chiến lược tích sản cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng tăng trưởng trong các phiên điều chỉnh của thị trường, với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Ngân hàng Nhà nước được duy trì, tỷ giá trong nước được kiểm soát ổn định và tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện đáng kể trong quý IV/2023.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup cho rằng, đợt sóng tăng từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 9 của VN-Index chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng về chính sách của Chính phủ, nhưng đến thời điểm này thì kỳ vọng đã “nguội” khi tình hình doanh nghiệp chưa hết khó khăn, vĩ mô vẫn còn một số bất ổn. Do đó, chỉ số có xu hướng điều chỉnh về vùng điểm cũ (trước kỳ vọng), ngoại trừ một số cổ phiếu có được sự phục hồi về kết quả kinh doanh, có xu hướng tốt dần lên. Hiện tại, thị trường vẫn có nguy cơ điều chỉnh thêm, nhưng đây cũng là cơ hội để lựa chọn các cổ phiếu tốt ở mức giá rẻ.

Ngoài ra, khi thị trường giảm sâu sẽ xuất hiện các cổ phiếu có thị giá ở dưới giá trị thật của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nên đào sâu tìm kiếm cổ phiếu có các chỉ tiêu như nợ vay thấp, P/B nhỏ hơn 1 (đi kèm với chất lượng tài sản tốt), ROE lớn hơn 10%, cổ tức tiền mặt ổn định ở mức cao. Các chỉ tiêu này tùy từng cổ phiếu sẽ được phân tích kỹ để xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp so với thị giá.

“Nếu nhìn vào một tương lai dài hơn, không chú trọng vào các giao dịch ngắn hạn, thì cơ hội đang mở ra rất lớn ở ngành thép, nhóm xuất khẩu gồm thủy sản, dệt may, các cổ phiếu khu công nghiệp và một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng”, ông Trung nói.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục