Mối nguy chiến tranh tiền tệ: Lựa chọn nào cho Mỹ và Trung Quốc?

Trang mạng Project Syndicate bình luận, mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang khiến cho việc đạt thỏa thuận thống nhất ở mức tối thiếu giữa hai bên là gần như không thể. 
Cho đến nay, chiến tranh tiền tệ vẫn chưa chính thức nổ ra nhưng nguy cơ của nó đang hiện hữu. (Nguồn : Focus Washington). Cho đến nay, chiến tranh tiền tệ vẫn chưa chính thức nổ ra nhưng nguy cơ của nó đang hiện hữu. (Nguồn : Focus Washington).

Theo trang mạng Project Syndicate, với sức nặng của mình, đồng Nhân dân tệ (NDT) chỉ cần mất giá nhẹ so với đồng USD cũng đủ tạo ra phản ứng hoảng sợ tức thời trên khắp thế giới.

Các thị trường tài chính lao dốc, Chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, gây lo sợ về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ lây lan như đám cháy.

Mỹ - Trung “ăn miếng trả miếng”, thị trường chao đảo

Cho đến nay, chiến tranh tiền tệ vẫn chưa chính thức nổ ra nhưng nguy cơ của nó đang hiện hữu. Dù các thị trường giờ đã hồi phục đôi chút, song Mỹ và Trung Quốc vẫn còn vướng vào cuộc chiến thương mại nguy hiểm mà chưa thấy điểm dừng.

Mỹ vẫn có ý định áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. Ở góc độ của Bắc Kinh, các thị trường hoàn toàn có lý do để tin rằng Trung Quốc sau đó sẽ tung đòn trả đũa. Suy cho cùng, đồng NDT yếu đi sẽ giúp bù đắp thiệt hại từ “đòn” trừng phạt thuế từ Mỹ.

Tuy nhiên, sự trượt giá của đồng NDT cũng tiềm ẩn các nguy cơ nghiêm trọng khác nên giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải suy tính kỹ khi theo đuổi biện pháp này. Nhiều doanh nghiệp thuộc diện lớn nhất ở Trung Quốc đang sở hữu các khoản vay chủ yếu bằng đồng USD, nên khi đồng NDT mất giá khiến những khoản nợ này càng phình to.

Kịch bản xấu hơn, đồng NDT diễn biến yếu ớt có thể thổi bùng làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc khi những nhà đầu tư cá nhân công ty tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình. Đây là điều đã từng diễn ra trong năm 2015, khi đồng NDT được điều chỉnh giảm khá mạnh khiến ngay sau đó Chính phủ Trung Quốc đã phải huy động tới 1.000 tỷ USD từ kho dự trữ để ngăn chặn đà đổ vỡ của đồng nội tệ.

Do đó, có lẽ Trung Quốc sẽ không tuyên bố một cuộc chiến tranh tiền tệ tổng lực và điều diễn ra đầu tuần vừa rồi có tác động hẹp hơn, tựa như một lời cảnh báo mà Bắc Kinh muốn chuyển đến phía Mỹ.

Đồng NDT trước đó đã ở sát ngưỡng biểu tượng 7 NDT đổi được 1 USD. Bằng việc áp tỷ giá tham chiếu ngày cho đồng nội tệ giảm quá mốc 7 NDT ngang 1 USD, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạo ra chỗ trống để các nhà giao dịch tiền tệ đẩy tỷ giá thị trường tạm thời phá ngưỡng 7 USD đổi 1 USD.

Biên độ phá giá nhỏ (khoảng 2%), nhưng tác động tâm lý thì lại rất lớn. Trung Quốc muốn nhắc nhở Mỹ rằng họ vẫn đang nắm trong tay nhiều vũ khí kinh tế chưa được dùng đến.

Không may, Chính quyền Trump lại phản ứng theo kiểu sai lầm ngớ ngẩn khi hiểu sai tín hiệu cầm chừng của Trung Quốc và lầm tưởng đó là mối đe dọa khủng khiếp. Với việc tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, Mỹ chỉ thành công trong việc khiến quan điểm của hai bên cứng rắn hơn.

Giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây có lẽ cảm thấy buộc phải có hành động đáp trả nào đó. Họ có thể lên tiếng đe dọa hạ giá đồng nội tệ, hoặc rút một số lá bài dự trữ khác để trả đũa.

Đơn cử, Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu quặng đất hiếm, vốn là chất thiết yếu trong các ngành công nghệ, hoặc là kéo dài tẩy chay hàng nông sản của Mỹ. Nói tóm lại, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ có thể đi từ “xấu” sang “xấu hơn”.

Giải pháp nào cho hai bên?

Trang mạng Project Syndicate cho rằng, hai bên cần xem xét dùng cơ chế chế phân xử trung lập để xử lý vấn đề tiền tệ. Ứng cử viên “nặng ký” nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – thể chế với một trong những những chức năng chủ yếu là giám sát “luật chơi” trong các vấn đề tiền tệ toàn cầu.

Tất cả các nước thành viên IMF đều cam kết tránh thao túng tỷ giá và đều chấp nhận chịu sự giám sát “cứng” của tổ chức này liên quan đến chính sách tiền tệ. Về mặt nguyên tắc, nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự muốn tránh xung đột tiền tệ, hai bên có thể yêu cầu IMF tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, quyền hành của IMF trên thực tế lại khá hạn chế khi thể chế này không có quyền áp đặt thực thi phán quyết. Tất cả những gì IMF có thể làm là nêu tên bên thao túng tiền tệ. Và một khi đi đến điểm đó, Mỹ và Trung Quốc sẽ chẳng chịu viện đến một tổ chức đa quốc gia như IMF.

Một lựa chọn có tính thực tế hơn là để Mỹ, Trung Quốc mặc cả trực tiếp với nhau, có thể có sự tham gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một hoặc hai cường quốc tiền tệ khác, nhằm đạt được một hình thức thống nhất tiền tệ nào đó.

Đã có tiền lệ cho một thỏa thuận như vậy. Năm 1936, sau giai đoạn Đại suy thoái kéo dài 2 thập kỷ vì phá giá cạnh tranh mất kiểm soát, các quyền lực tài chính chủ chốt lúc bấy giờ gồm Mỹ, Anh, Pháp đã đồng ý về một thỏa thuận không chính thức để ổn định tỷ giá chung - còn được gọi là “tiêu chuẩn vàng 24 giờ”.

Theo đó, thỏa thuận ba bên quy định một khi có ý định thay đổi tỷ giá, mỗi nước sẽ thông báo cho các bên còn lại trước 24 tiếng. Dù tiến trình thực hiện chưa thể đạt đến mức hoàn thiện, nhưng thỏa thuận cũng đã giúp khôi phục lại trật tự đối với các vấn đề tiền tệ.

Ngày nay, sẽ khó khăn hơn để thảo luận về một thỏa thuận như vậy. Trong những năm 1930, Mỹ, Anh, Pháp lúc đó đều có quan hệ hữu hảo. Ngày nay, Mỹ và Trung Quốc ngược lại coi nhau là đối thủ chiến lược can dự vào một xung đột thương mại và ngay cả một sáng kiến tỷ giá hạn hẹp cũng là điều khó vươn tới. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không thể.

Cuối cùng, Mỹ và Trung Quốc có lẽ đều nhận ra một số ưu điểm của việc loại trừ xung đột tiền tệ khỏi vòng đối đầu, với hy vọng giảm thiểu tác động lớn hơn cho chính Mỹ - Trung Quốc và nhiều nước khác.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục