Câu hỏi trách nhiệm
“Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện Dự án Làng đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng có nhận thấy trách nhiệm của mình khi Dự án kéo dài? Đến khi nào Bộ trưởng mới triển khai dự án này để trả lại các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân trong vùng dự án, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân?”, đại biểu Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 11/11/2021.
“Đến bao giờ?” cũng là câu hỏi được lặp đi lặp lại trong gần 25 năm qua của người dân sống trong vùng dự án Làng đại học Đà Nẵng. Dự án được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997, với tổng diện tích khoảng 300 ha, trong đó khoảng 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) và khoảng 190 ha thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, đến nay, Dự án mới chỉ triển khai được một phần tại Đà Nẵng.
Bao thân phận người dân bị mắc kẹt trong dự án này suốt 25 năm qua và chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Nằm trong vùng dự án, gia đình anh Phạm Văn Sang (trú tại khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) ngán ngẩm mỗi khi nhắc đến dự án này. Bao năm qua, nhà cửa xuống cấp không thể xây dựng, sửa chữa, những thủ tục liên quan đến đất đai cũng không thực hiện được, điều kiện sống của gia đình anh Sang rất khó khăn.
“Sống ở đây còn khổ hơn trên núi, vì nước sạch, điện, đường đều thiếu. Bao năm trông đợi Dự án sẽ xong mà chờ mãi chẳng thấy”, anh Sang nói.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Dự án Làng đại học Đà Nẵng kéo dài đã dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trong 190 ha được quy hoạch tại phường Điện Ngọc, mới chỉ triển khai 1,02 ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, các hộ ảnh hưởng đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.
Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2.000) Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 9/7/2020. Theo đó, trong phạm vi Dự án trên địa phận tỉnh Quảng Nam, giữ lại dân cư hiện trạng khoảng 30 ha dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT 607) để chỉnh trang đô thị.
Trong khi đó, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của Dự án tại khu vực TP. Đà Nẵng đã được Đại học Đà Nẵng trình UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020. Tuy nhiên, đến nay, Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được Đại học Đà Nẵng hoàn thành công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, do quy hoạch dự án “treo” nhiều năm, nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp; đường giao thông và hệ thống điện xuống cấp nghiêm trọng. Theo rà soát tại Dự án, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5 ha.
“Dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng”, chính quyền tỉnh Quảng Nam cảnh báo.
Tháo điểm nghẽn
Theo Đại học Đà Nẵng, đơn vị đã bố trí vốn cho 3 dự án tại Làng đại học Đà Nẵng. Trong đó, Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng 40 ha khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đã được cấp đủ vốn đầu tư, là 675 tỷ đồng. Đại học Đà Nẵng đã giải ngân 647 tỷ đồng cho Ban giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn và quận Ngũ Hành Sơn.
Dự án Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc giai đoạn 2018-2020 đã được cấp đủ 180 tỷ đồng để thực hiện đầu tư.
Ngoài ra, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (dự án ODA), tổng mức đầu tư 117,76 triệu USD. Dự án đầu tư xây dựng các công trình trên 49 ha đất thuộc phường Hòa Quý, Đà Nẵng, trong đó khoảng 40 ha đang được thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án đã được Ngân hàng Thế giới công bố hiệu lực vào ngày 19/4/2022. Đại học Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện các bước để triển khai Dự án.
“Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn cho Dự án. Những khó khăn và điểm nghẽn của Dự án đang được các bộ, ngành và 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam rà soát, đánh giá, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện Đại học Đà Nẵng thông tin.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, với 160 ha còn lại của Dự án Làng đại học Đà Nẵng, tổng diện tích đất ảnh hưởng là 1.591.028 m2; tổng số hộ dân ảnh hưởng là 1.845 hộ. Dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực tế là hơn 4.164 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân, tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án. Vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản không khả thi.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.
Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn, Quảng Nam đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2.000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha có khả năng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Phần diện tích còn lại loại khỏi ranh giới Dự án để tỉnh lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng đại học Đà Nẵng…
Kéo dài 25 năm, đã đến lúc phải có một “phép giải” triệt để cho Dự án Làng đại học Đà Nẵng để chấm dứt những bức xúc và khó khăn của người dân trong vùng dự án.
Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 135/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của Dự án Khu đô thị Làng đại học Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.