Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 2 tuần đầu tháng 3/2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 447 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội gỗ và lâm sản (VIFOREST), với sự gia tăng của tình hình dịch tại các thị trường trọng điểm, kim ngạch và tăng trưởng của ngành trong thời gian tới sẽ có sự tụt giảm nghiêm trọng.
Dịch đang và chắc chắn sẽ còn tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Đến nay, một số doanh nghiệp đã dừng sản xuất; nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô; nhiều người lao động phải nghỉ việc.
Thông tin từ các Hiệp hội gỗ xuất khẩu cho thấy, từ trung tuần tháng 3/2020, dịch bùng phát mạnh tại thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%).
Chính phủ các quốc gia này hiện đang áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu, dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ.
Điều này đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành gỗ. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể các các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Các doanh nghiệp cũng được thông báo một số khách hàng lớn rời vào tình trạng chuẩn bị phá sản.
Trong 105 doanh nghiệp cung cấp thông tin về lao động cho biết, trước dịch Covid -19, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là 47.506 lao động, tuy nhiên đến nay đã có 21.410 lao động nghỉ việc.
Trong khi đó, dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta. Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại thị trường lớn thứ 3 của ngành gỗ Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, nhưng để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại như lúc ban đầu. Với tình hình dịch đang diễn ra như hiện nay tại các thị trường xuất khẩu, tác động đến ngành gỗ Việt Nam – là vô cùng lớn.
Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành gỗ, các Hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định đã thực hiện khảo sát nhanh với 124 doanh nghiệp trong ngành.
Mặc dù khảo sát mới thực hiện ở quy mô nhỏ và tác động của dịch tới các doanh nghiệp mới chỉ ở mức độ ban đầu, nhưng các tác động tiêu cực của dịch tới doanh nghiệp trong ngành đã thể hiện rất rõ nét.
Cụ thể, có 76% số doanh nghiệp phản hồi cho biết, mức thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng; có 24% số doanh nghiệp chưa xác định được thiệt hại (tính trên 124 doanh nghiệp khảo sát). Phần lớn các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, một số doanh nghiệp phải đóng cửa.
Trên một nửa (51%) số doanh nghiệp phản hồi cho biết, đã thu hẹp quy mô sản xuất; 35% doanh nghiệp cho biết, mặc dù doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới. Chỉ có 7% số doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, phụ thuộc vào biến động của dich. Toàn bộ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hiện tại là để đáp ứng các đơn hàng năm 2019.
Quy mô lao động của các doanh nghiệp giảm nghiêm trọng. Khoảng 45% tổng số lao động trong các doanh nghiệp đã mất việc do dịch. Cụ thể, trong 105 doanh nghiệp cung cấp thông tin về lao động cho biết, trước dịch Covid -19, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là 47.506 lao động, tuy nhiên đến nay đã có 21.410 lao động nghỉ việc.
Ngoài ra, sức ép của doanh nghiệp về vốn vay, bảo hiểm xã hội, các loại thuế và phí hiện tại rất lớn. Cụ thể, 83 doanh nghiệp phản hồi cho biết mức bảo hiểm xã hội phải đóng cho người lao động mỗi tháng là 178,6 tỷ đồng, tương đương 2,15 tỷ đồng/doanh nghiệp; 50 doanh nghiệp phản hồi cho biết thuế VAT mà các doanh nghiệp này phải trả tính lũy kế đến nay là 174,6 tỷ đồng, tương đương 3,49 tỷ đồng/doanh nghiệp; 69 doanh nghiệp phản hồi cho biết mức thuế mà doanh nghiệp phải nộp tính đến nay là gần 212,9 tỷ đồng, tương đương 3,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; 96 doanh nghiệp phản hồi cho biết tổng dư nợ của các doanh nghiệp là đến nay là 6.207 tỷ đồng, tương đương 64,7 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Do đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ kiến nghị cơ quan chức năng cho giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp đề xuất miễn phí duy tu cơ sở hạ tầng trong năm; Giãn thời gian đáo hạn ngân hàng nhưng không hạ mức tín nhiệm cho vay; Tạm ngừng nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu; Giảm chi phí lưu thông hàng qua cảng ở mức hợp lý; Hỗ trợ các chế độ an sinh cho người lao động ngoài bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữ lao động; Hỗ trợ các khoản vay đầu tư, để đầu tư mở rộng, sẵn sàng đón đầu cơ hội ngay sau dịch bệnh; Hỗ trợ tăng hạn mức vay vốn ngắn hạn để vượt qua thời điểm sản xuất kinh doanh ngưng trệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị hoàn thuế đã đóng dư cho cơ quan thuế; Không đóng tiền công đoàn về công đoàn cấp trên để tiền phụ cấp người lao động khó khăn; Không tổ chức thanh tra thuế theo kế hoạch năm 2020; Cho phép doanh nghiệp thỏa thuận lương nghỉ việc/ tạm ngưng sản xuất với lao động do dịch bệnh; Yêu cầu Bảo hiểm xã hội cho thanh toán gối đầu, không thanh toán liền trong tháng….
Theo các hiệp hội gỗ, kết quả của khảo sát này chỉ mang tính bước đầu. Để có những kết quả đầy đủ hơn về tác động của dịch, khảo sát cần mở rộng cả về quy mô doanh nghiệp tham gia cũng như các khía cạnh khác như thị trường đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp, hay các phản ứng khác nhau trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để chống chọi với dịch bệnh…