Vào mùa... nhưng rất khó
Những ngày này, rảo một vòng trên các trang mạng xã hội và trang web địa ốc, không khó để bắt gặp những lời mời chào “có cánh” của các nhà môi giới bất động sản, lấn lướt không khí tẻ nhạt của hoạt động môi giới dự án trong gần 1 năm qua. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài sôi động là thế, nhưng để kiếm được khách hàng có thiện chí trao đổi và nhu cầu thực thời điểm này cũng là một thách thức không nhỏ đối với các môi giới bất động sản chứ chưa nói đến là chốt được đơn hàng.
19h tối, cơn mưa nặng hạt cuối mùa ở TP.HCM càng làm tăng thêm sự mệt mỏi của dòng người đông đúc. Nhưng dọc hai bên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 vẫn còn lác đác một vài môi giới che dù, tay cầm tờ quảng cáo vẫy chào người đi đường.
So với cùng kỳ giáp Tết Dương lịch năm ngoái, thị trường bất động sản ở thời điểm này trái ngược hẳn khi hoạt động môi giới khó khăn thấy rõ. Năm ngoái, các môi giới hoạt động hết công suất, dẫn khách đi xem nhà đất cả ngày lẫn đêm, thậm chí sát Tết Âm lịch vẫn tranh thủ chốt giao dịch. Giờ đây, nhiều môi giới phải ngậm ngùi nghỉ sớm phần vì không có nguồn hàng để bán, phần vì giá thị trường đã bị đẩy lên quá cao. Tuy nhiên, vừa qua thông tin một số chủ đầu tư ra mắt được dự án mới khiến các môi giới được tiếp thêm chút kỳ vọng.
Tháng cuối năm thường là thời điểm lượng giao dịch tăng cao. Ảnh: Trọng Tín
Lấy tay lau lại những giọt nước mưa còn đọng trên má, Hiếu, một nhân viên môi giới đang bán dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trịnh than thở: "Năm nay nhìn chung khó khăn quá, chỉ chở mong tháng cuối năm anh ạ".
Theo môi giới này, năm 2019 sản phẩm ít hẳn và tình hình này có lẽ còn tiếp diễn. "Chưa thấy năm nào tìm khách khó khăn như năm nay. Đặc biệt, gần Tết tìm khách mua đất nền, thậm chí mời khách đi xem ở thời điểm này cũng khá khó khăn", Hiếu chia sẻ.
Nhân viên môi giới này cho biết, những ngày cuối năm, ngoài việc tìm khách bằng các hình thức thông thường thì các môi giới còn tìm đến các quán café lớn để bắt chuyện với khách, "vớt vát" được người nào hay người đó. Theo Hiếu, mặc dù nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường thiếu trầm trọng, nhưng không phải cứ hàng ra đều bán nhanh.
Những dư âm xấu của sự việc lừa đảo khách hàng tại Tập đoàn địa ốc Alibaba hay Công ty Angelina vẫn nóng bỏng khiến khách hàng thận trọng hơn. “Chào bán đất nền dự án, đã cho khách xem toàn bộ giấy tờ pháp lý và giải thích cặn kẽ, chứng minh rằng dự án của mình đủ pháp lý giao dịch nhưng vẫn khó thuyết phục khách”, Hiếu buồn bã nói.
Tương tự, anh Trung, một nhà môi giới địa ốc có thâm niên không dưới 5 năm trong nghề cũng tỏ ra khá ngao ngán. Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí của một trường đại học danh tiếng tại miền Trung, anh Trung lại bén duyên với nghề môi giới địa ốc từ năm 2015.
Môi giới này cho biết, các năm 2016 - 2017, thu nhập của anh đạt trung bình trên dưới 20 triệu đồng mỗi tháng, nhờ thời điểm đó thị trường có sản phẩm dồi dào, thanh khoản tốt, nhà đầu tư chuộng đổ tiền vào bất động sản. “Năm 2018, mức thưởng cuối năm còn khá rủng rỉnh. Thế nhưng, tổng kết lại năm nay tình hình hoàn toàn bị đảo được. Giờ chỉ trông cậy vào 2 tháng cuối năm, vì những năm trước, cuối năm là thời điểm các nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản nhiều nhất. Ngoài việc đứng một chỗ để phát tờ rơi, tôi còn mượn tiền bạn bè để chạy quảng cáo trên facebook, google”, anh Trung cho biết.
Thực tế, chuyện của Hiếu hay anh Trung chỉ là một số rất ít trong những trường hợp kỳ vọng vào sự sôi động mùa bán hàng cuối năm. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn khan hiếm nguồn cung. Thanh khoản chững lại, các dự án chuẩn bị chào bán đều dời ngày tung hàng vì cần thêm thời gian để hoàn tất hồ sơ pháp lý.
Chưa kể, tình hình thanh kiểm tra các dự án trên địa bàn TP.HCM cũng gây hoang mang cho khách hàng và giới đầu tư, khiến môi giới không bán được hàng, thu nhập hàng tháng sụt giảm mạnh, chỉ trông chờ vào mức lương cơ bản cực kỳ ít ỏi.
Kỳ vọng những tháng cuối năm
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư Bất động sản, dù thị trường có vẻ trầm lắng nhưng hầu hết các môi giới địa ốc và chủ các sàn giao dịch đều kỳ vọng sẽ tạo ra được sự đột phá vào thời điểm cuối năm, bởi theo thông lệ, thời điểm này sẽ là giai đoạn sôi động nhất của năm.
Chị Linh, giám đốc của một sàn môi giới có trụ sở tại quận 4 cho rằng, năm nay thị trường có chút khó khăn, nhưng nhìn chung bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và được nhiều người lựa chọn. Cuối năm, hiện một số doanh nghiệp đang có kế hoạch bung hàng kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Do đó, khả năng giao dịch sẽ sôi động hơn.
Đồng thời, một nguồn cầu càng về cuối năm càng tăng là nguồn kiều hối. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8-10% mỗi năm. Trong 9 tháng của năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ… ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, cả năm kiều hối đạt khoảng 5 tỷ USD.
“Giai đoạn này khách hàng thường tìm kiếm và đặt mua nhà để kịp sửa sang đón Noel, đón Tết với mong muốn có được nhiều niềm vui và may mắn trong năm mới. Vì vậy, cuối năm là thời điểm tốt nhất để môi giới bất động sản kiếm hợp đồng. Nếu chăm chỉ và có thêm chút may mắn thì có thể doanh số trong mấy tháng này sẽ bằng, thậm chí còn nhiều hơn những tháng trước đó gộp lại”, chị Linh kỳ vọng.
Ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holdings cho rằng, thói quen của người dân Việt Nam khi vào dịp cuối năm sẽ tích lũy tài sản, trong đó có việc mua bất động sản. Do đó, doanh nghiệp bất động sản cũng thường ra hàng vào cuối năm để bán được giá.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nên các chủ đầu tư chuẩn bán hàng ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp bán hàng giữa năm kể cả tháng 7 Âm lịch vốn là tháng kiêng kỵ với giới nhà, đất.
“Trong năm nay thị trường có sự chững lại do tín dụng bị siết, thủ tục hành chính bị ách tắc. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, việc ra hàng trong thời điểm này sẽ được nhiều nhà đầu tư đón nhận, bởi thị trường đã khan hiếm trong một thời gian rất dài”, ông Sơn nói.
Dù vậy, cũng theo ông Sơn, các doanh nghiệp cũng nên tính toán vấn đề giá bán, không phải thị trường khan hàng mà đẩy giá lên. Bởi giá quá cao, thanh khoản chậm, chủ đầu tư sẽ mất rất nhiều chi phí truyền thông, chi phí marketing, chi phí cơ hội…
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản trong những tháng qua vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng hoặc vấn đề thủ tục hành chính, vấn đề thanh kiểm tra. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong chu kỳ tăng trưởng và đã có những dấu hiệu được gỡ khó.
“Thị trường sớm kỳ vọng có sự sôi động trở lại. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình”, ông Châu khuyến cáo.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com