Môi giới bất động sản với “cuộc chiến sinh tồn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn hàng nhiều nhưng chưa đúng “gu”, tài chính chưa đảm bảo, niềm tin chưa hồi phục, hoạt động bị kiểm soát chặt hơn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ… là những thách thức mà người làm môi giới phải vượt qua để có thể “sinh tồn” trong bối cảnh mới.
Nghề môi giới địa ốc không còn dễ “hái ra tiền”. Ảnh: Dũng Minh Nghề môi giới địa ốc không còn dễ “hái ra tiền”. Ảnh: Dũng Minh

Tăng cường tuyển quân và đào tạo

Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản phía Nam ghi nhận nhiều chuyển động tích cực. Bên cạnh các lễ kick-off, khởi công dự án diễn ra sôi nổi, thị trường cũng chứng kiến cuộc đua giữa các đơn vị môi giới trong công tác tuyển quân để chuẩn bị cho các dự án mới.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Sao Việt cho biết, doanh nghiệp này cần tuyển 50 môi giới, chế độ lương và hoa hồng đãi ngộ đều tăng cao so với trước đây và tất nhiên, yêu cầu đi kèm cũng khắt khe hơn.

“Sau khi tuyển dụng, chúng tôi sẽ đầu tư chi phí đào tạo từ kỹ năng bán hàng, tiếp cận khách hàng, sản phẩm... đến bồi dưỡng kiến thức pháp lý, thị trường. Nhân viên kinh doanh cũng phải học cách lập kế hoạch bán hàng mỗi tháng, mỗi quý và có các chương trình đánh giá, sàng lọc phù hợp. Ai đáp ứng tốt công việc sẽ được thu nhận, có chế độ lương và bảo hiểm rõ ràng, không tuyển dụng đại trà, tập trung vào số lượng theo kiểu cộng tác như trước kia”, bà Thảo nói.

Tại Công ty Cát Tường Land, ông Nguyễn Hoài Danh - Giám đốc Marketing cho hay, cả hệ thống cần tuyển khoảng 150 nhân viên kinh doanh có chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh mức lương cứng 8 triệu đồng/tháng, phí môi giới cũng ở mức cao từ 5-7% tùy sản phẩm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển dụng hiện nay là tìm kiếm được đội ngũ nhân sự lành nghề và có thể trụ lại với nghề. Bởi sau giai đoạn suy thoái lần này, không chỉ thị trường bất động sản và người mua nhà thay đổi, mà cả đội ngũ kinh doanh cũng cần thay đổi để thích nghi.

Còn ông Nguyễn Hậu - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asian Holding thông tin, doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng gần 200 nhân sự với mức lương cứng là 10 triệu đồng/tháng, nhưng hiện mới tuyển được một nửa.

Song, ông không vội mà cho rằng, điều doanh nghiệp cần lúc này là đào tạo một đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, có trình độ, hiểu biết về thị trường, nắm bắt được tâm lý khách hàng và nắm vững pháp lý. Thị trường không còn như trước, khách hàng thận trọng hơn và yêu cầu rất cao. Đã qua thời “mua dễ, bán dễ” nên doanh nghiệp phải đào tạo cho nhân viên kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới.

“Yếu tố quan trọng nhất hiện nay là đào tạo chuyên môn cho đội ngũ nhân sự môi giới, thay vì chỉ tập trung vào số lượng lớn, đại trà và bao phủ như trước. Trải qua giai đoạn khó khăn lần này, những môi giới còn hoạt động đều là người có kiến thức, kinh nghiệm và cái tâm với nghề. Môi giới có thể tồn tại được là nhờ khách hàng tin tưởng, nếu đánh mất sự tin tưởng từ người mua, sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải”, ông Hậu chia sẻ.

Bên cạnh những doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc khác như Đất Xanh Group, Thắng Lợi Group, Vạn Xuân, Nam Group, Đại Phúc Group, Gamuda Land... cũng đang tích cực tuyển nhân sự ở nhiều vị trí, không riêng nhân viên bán hàng. Yêu cầu chung không chỉ là có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết thị trường, mà còn cả khả năng kiêm nhiệm nhiều hoạt động, phụ trách nhiều vị trí cùng một lúc…

Các doanh nghiệp môi giới bất động sản luôn cần một đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Các doanh nghiệp môi giới bất động sản luôn cần một đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Không còn dễ “hái ra tiền”

Khi nhắc đến nghề “môi giới bất động sản”, trong tâm trí nhiều người vẫn nghĩ đây là nghề dễ kiếm tiền, bởi hoa hồng cho mỗi sản phẩm giao dịch thành công lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, từ những chia sẻ của người trong cuộc, đây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Anh Trương Huy - Giám đốc Kinh doanh tại Era Vietnam cho hay, cơ cấu lương thưởng tại các đơn vị môi giới thường không cố định như nhân viên văn phòng, mà chủ yếu từ các khoản hoa hồng.

“Trung bình, khi bán được một sản phẩm cỡ vừa, môi giới viên sẽ thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Nghe thì có vẻ lớn, nhưng sau khi trừ chi phí chạy quảng cáo và chia lại lợi nhuận cho các thành viên trong nhóm, số tiền còn lại chẳng đáng là bao”, vị giám đốc trẻ này nói và cho biết thêm, chưa kể, tỷ lệ bán thành công ở thời điểm hiện tại chưa cao, cho nên tình huống cả tháng không bán được sản phẩm nào diễn ra khá thường xuyên.

Theo anh Huy, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, khách hàng bắt đầu chủ động liên hệ nhân viên môi giới và chủ động hơn trong việc tham gia các sự kiện tư vấn bán hàng, thăm quan nhà mẫu, thăm quan dự án. Tuy nhiên, do khả năng chi trả thực tế của người mua còn hạn chế nên thanh khoản chưa cao.

“Lúc này, khách hàng chưa mua bất động sản không phải vì không thích hoặc không muốn mua, mà là do chưa có đủ tài chính, chưa đủ tự tin để vay mua bất động sản, dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt”, anh Huy nói.

Chia sẻ kết quả cuộc khảo sát “Những lý do khách hàng chưa đưa ra quyết định mua bất động sản” mới thực hiện, ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho biết, có đến 63% lý do liên quan đến tài chính, các lý do khác như pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư, sản phẩm chưa đúng nhu cầu… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Khảo sát sâu hơn cho thấy, trong các nguyên nhân liên quan đến yếu tố tài chính, khoảng 72% số người được hỏi cho biết do thu nhập giảm nên không dám vay ngân hàng; 64% đưa ra lý do không đủ tiền thanh toán phần tiền trả trước; 53% đang chờ giá giảm thêm; 36% muốn giữ tiền mặt để dự phòng; 14% do phát sinh nợ xấu nên không vay được.

Dưới góc độ là đơn vị trực tiếp bán hàng, bà Phạm Thị Phương Thảo cho hay, hàng tồn kho trên thị trường còn nhiều, nhưng lại không đúng “gu” khách hàng nên tỷ lệ hấp thụ thấp, hiệu suất kinh doanh giảm…, nên doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

Mặt khác, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ siết chặt hơn hoạt động môi giới bất động sản, cho nên nghề môi giới địa ốc sẽ nhiều thách thức hơn, tính cạnh tranh cũng cao hơn, cho dù triển vọng vẫn lớn. Vì vậy, người làm môi giới phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.

Theo ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phát triển mới. Do đó, đối với đội ngũ bán hàng, các kiến thức về pháp lý, tài chính, khả năng đánh giá, phân tích thị trường, khả năng hiểu sản phẩm, “đọc vị” nhu cầu khách hàng, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc... trở thành yêu cầu tối thiểu. Sàn môi giới khi tuyển dụng cũng sẽ đầu tư hơn vào hoạt động đào tạo nhân sự, nhưng môi giới phải thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục