Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong năm qua, số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới đạt 5.544 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ (23.359 tỷ đồng). Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới toàn thị trường năm 2013 chỉ tăng 4,8% so với năm 2012, thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu bình quân của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (7%) và thấp hơn nhiều mức tăng trưởng toàn thị trường (14%). Hoạt động môi giới bảo hiểm năm 2013 vẫn tiếp tục được nhìn nhận là khá mờ nhạt.
Hoạt động môi giới bảo hiểm chủ yếu ‘đặt chân’ đến lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, tập trung ở 11 nghiệp vụ bảo hiểm. Cụ thể là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm tín dụng & rủi ro tài chính, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh và bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, khối doanh nghiệp môi giới có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thu xếp bảo hiểm tất cả 11 nghiệp vụ trên, trong khi khối doanh nghiệp nội chỉ thu xếp được 8 nghiệp vụ (còn 3 nghiệp vụ chưa phát sinh là bảo hiểm hàng không, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh và bảo hiểm nông nghiệp).
Đáng chú ý là dù doanh thu từ hoạt động môi giới (hoa hồng môi giới) của toàn khối trong năm qua tăng trưởng 10,1%, nhưng lợi nhuận trước thuế của khối này giảm tới 72,3% so với năm 2012, đạt 19,2 tỷ đồng. Dù số DN có lãi đã tăng so với năm trước, 9/11 DN so với 6/11 DN, nhưng lợi nhuận của các DN trong khối này đã “xấu đều” hơn. Trong số đó, chỉ có ba cái tên là Á Đông, Toyota Tsusho, Việt Quốc là có hiệu quả kinh doanh cao hơn năm 2012.
Theo phân tích của Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm, tình trạng sụt giảm mạnh lợi nhuận của khối môi giới bảo hiểm trong năm 2013 là do hầu hết các DN trong khối có mức tăng chi phí lớn hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu. Một số DN có chi phí quản lý tăng cao, dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động môi giới bảo hiểm giảm 50,7% so với năm 2012.
Hoạt động chính đã vậy, nhưng hoạt động đầu tư của nhiều DN trong khối trong năm 2013 cũng không tích cực. Thậm chí, có DN chịu thua lỗ lớn từ việc đầu tư chứng khoán. Đến hết năm 2013, có 3 DN có nguồn vốn chủ sở hữu không đáp ứng quy định của pháp luật.
Báo cáo Chuyên đề Hoạt động môi giới bảo hiểm năm 2013 của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm mới đây cũng cho thấy, một số DN môi giới vẫn chưa tuân thủ tốt quy định của pháp luật, chẳng hạn như thực hiện không đúng nội dung giấy phép thành lập và hoạt động được cấp; thực hiện tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm bắt buộc với mức phí thấp hơn mức phí tối thiểu; chưa tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản trị điều hành và nhân viên hoạt động môi giới bảo hiểm.
Cạnh tranh giữa nhóm DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường môi giới bảo hiểm đang được nhìn nhận là không cân sức. Nếu như nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài có những lợi thế nhất định về vốn, hệ thống quản lý tiên tiến dù chiếm số lượng ít hơn so với nhóm DN nội địa, với 5 DN, nhưng đang chiếm áp đảo về thị phần. 6 DN nội địa chỉ đóng góp 14,5% thị phần hoa hồng môi giới, chỉ tăng chút đỉnh so với năm 2012 (13,8%). Hiệu quả kinh doanh của các nhà môi giới nội thấp và sụt giảm so với năm 2012.
Năm 2014, dù nền kinh tế được dự báo là sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013, nhưng với khối DN môi giới bảo hiểm, có thể lại tiếp tục là một năm chưa có đột phá, khi tăng trưởng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước tính chỉ ở mức 5-7%.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.
Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.