Để “miếng bánh” bảo hiểm lớn hơn, theo bà Lan, cần cho phép môi giới bảo hiểm nước ngoài hợp tác với bên thứ ba như ngân hàng, hiệp hội…, để bán bảo hiểm cho khách hàng.
Năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm được thu xếp qua các công ty môi giới bảo hiểm tại Việt Nam ước chiếm 23%. Bà đánh giá như thế nào về tỷ lệ này?
So sánh với các nước tiên tiến trên thế giới thì tỷ lệ 23% còn quá khiêm tốn. Ở Anh, Mỹ, Canada hay Australia, doanh thu phí bảo hiểm được thu xếp qua các công ty môi giới đạt 80 - 90%; ở nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, tỷ lệ này là 30%. Tuy nhiên, nhìn lại vài năm trước đây, khi con số này chỉ là 10% (năm 2009), thì có thể thấy, lĩnh vực môi giới bảo hiểm đã có những bước tiến khá nhanh và có vị trí quan trọng trong ngành bảo hiểm Việt Nam.
Chắc chắn rằng, các nhà môi giới kỳ vọng vào một con số lớn hơn nhiều, song việc này không chỉ đỏi hỏi nỗ lực của chính các nhà môi giới, mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc nới lỏng khung pháp lý cho hoạt động môi giới bảo hiểm, cũng như phát triển một thị trường bảo hiểm lành mạnh.
“Còn khiêm tốn”, có phải một phần là do cách suy nghĩ, kênh môi giới bảo hiểm làm tăng chi phí/thủ tục cho DN bảo hiểm, khiến DN bảo hiểm không quá mặn mà với môi giới?
Đây là một quan niệm sai lầm. Khi có sự tham gia của nhà môi giới bảo hiểm, DN bảo hiểm có thể giảm chi phí phí marketing và bán hàng trực tiếp, cũng như giảm bớt nhân sự và chi phí quản lý trong việc cung cấp dịch vụ sau bán hàng, vì các công việc này đã có nhà môi giới đảm nhiệm.
Theo bà, làm thế nào để môi giới bảo hiểm tại Việt Nam trở thành kênh phân phối bảo hiểm chủ đạo?
Về khung pháp lý, các nhà môi giới không được phép hợp tác đối với bên thứ ba như ngân hàng, hiệp hội… để bán bảo hiểm cho các khách hàng, thành viên của các tổ chức này. Hiện nay, một số công ty bảo hiểm đang khai thác trực tiếp kênh phân phối qua môi giới bảo hiểm, song nếu cho phép các nhà môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài khai thác kênh phân phối này, chắc chắn “miếng bánh” bảo hiểm sẽ lớn hơn nhiều, do các nhà môi giới bảo hiểm đó có kinh nghiệm quốc tế về khâu thiết kế sản phẩm, có công nghệ thông tin để hỗ trợ khâu marketing và dịch vụ khách hàng, cũng như tạo ra các tiện ích gia tăng cho khách hàng.
Là người gắn bó với thị trường bảo hiểm Việt Nam nhiều năm qua, từng là Tổng giám đốc điều hành Aon Việt Nam và mới chuyển sang Marsh trên cương vị Giám đốc Điều hành kinh doanh, theo bà, còn gì trong chính sách liên quan đến môi giới bảo hiểm cần được tháo gỡ?
Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản dưới luật mới chỉ cho phép môi giới bảo hiểm đóng vai trò trung gian thu xếp bảo hiểm, chứ chưa nhìn nhận một vai trò rất quan trọng của nhà môi giới là tư vấn rủi ro, do đó còn chưa cho phép nhà môi giới được hưởng phí tư vấn. Đây đã có thể là một nguồn thu đáng kể cho nhà môi giới, vì nhu cầu về dịch vụ này là rất lớn. Chính việc coi tỷ trọng phí bảo hiểm thu xếp qua nhà môi giới là thước đo của hoạt động môi giới bảo hiểm đã phản ánh điều này.
Về thực tế thị trường, khi bán bảo hiểm trực tiếp cho khách hàng, các DN bảo hiểmViệt Nam có tập quán trả hoa hồng (“lại quả”) cho khách hàng, điều mà DN môi giới bảo hiểm nước ngoài (vốn đang chiếm lĩnh thị trường với 80% thị phần môi giới) không làm được.
Chính vì thế, các DN Việt Nam thường mua bảo hiểm trực tiếp (phổ biến là DNNN), thay vì thông qua nhà môi giới. Ngoài ra, còn có nhiều lý do khiến DN chưa mặn mà mua bảo hiểm qua môi giới như DN trong một ngành sẽ ưu tiên mua bảo hiểm trực tiếp của một DN bảo hiểm thuộc ngành đó, thay vì mua của DN bên ngoài hoặc thông qua công ty môi giới bảo hiểm.