Đêm hôm qua (18/3) theo giờ Việt Nam, cuộc họp thường niên của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) đã kết thúc, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen tiến hành họp báo về kết quả của cuộc họp.
Theo đó, Fed đã tiến thêm một bước tới việc nâng mức lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006, tuy nhiên cũng cho biết, Fed đã hạ mức mục tiêu về phát triển kinh tế và lạm phát, một tín hiệu của việc sẽ không vội vã thúc đẩy lãi suất lên cao quá nhanh.
Fed đã không còn sử dụng cụm từ “kiên nhẫn” – cụm từ liên tục được cơ quan này sử dụng từ năm 2008 đối với việc tăng lãi suất trong thông báo về chính sách mới nhất của mình, mở rộng thêm cánh cửa cho việc nâng mức lãi suất lên trong vài tháng tới, trong khi vẫn có sự cân nhắc về tình hình khôi phục của nền kinh tế Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18/3, bà Janet cho biết: “Việc chúng tôi bỏ từ “kiên nhẫn” ra khỏi tuyên bố không có nghĩa chúng tôi sẽ mất kiên nhẫn”. Việc tăng lãi suất hay không phụ thuộc rất lớn vào các số liệu kinh tế sắp tới.
Mặc dù không hề chỉ rõ thời gian đưa ra quyết định nhưng tuyên bố trên đủ mềm dẻo để Fed có thể tăng lãi suất trong cuối năm nay mà không gây ra bất ngờ quá lớn.
Trước đó, bà Yellen từng cho biết việc giữ “kiên nhẫn” sẽ kéo dài trong ít nhất hai cuộc họp nữa của FOMC, theo lịch trình sẽ diễn ra vào tháng Tư và tháng Sáu tới.
Việc Fed chuẩn bị thắt chặt tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế đang hồi phục chậm lại và các ngân hàng trung ương khác tại châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản thực thi việc nới lỏng, đã tạo áp lực mạnh cho đồng USD. Đồng tiền xanh này đã tăng hơn 4% kể từ lần họp gần đây nhất của FOMC vào 28/1, cho thấy sự phát triển ngược chiều thế giới của Mỹ, nhưng đồng thời cũng khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia khác.
Trong phần tổng kết các mục tiêu kinh tế, Fed đã giảm mức mục tiêu lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2015. Trong thông báo của mình, cơ quan này liên tục nhắc lại mối lo lắng về việc lạm phát dưới mức mong muốn và sự ảnh hưởng của việc giá năng lượng tụt giảm.
Các quan chức của Fed cũng đã hạ thấp mức dự tính đối với lãi suất tiền quỹ liên bang, lãi suất cho vay qua đêm này sẽ ở mức 0,625% cho tới cuối năm 2015, thay vì 1,125% ước tính vào tháng 12 năm ngoái. Trong phát biểu của mình, Fed cho rằng “sự thay đổi trong chính sách điều hướng này không ám chỉ việc Uỷ ban sẽ quyết định thời gian về việc tăng các mục tiêu kinh tế”. Kể từ nay, Fed sẽ thiết lập các chính sách ở mỗi cuộc họp dựa vào những dữ liệu kinh tế mới nhất, khiến mỗi hành động trở nên khó dự đoán hơn trước.
Chứng khoán Mỹ đã thăng hoa nhờ quyết định của Fed
Nền kinh tế Hoa Kỳ cũng tăng 2,2% trong quý IV/2014, sau khi giảm 5% trong quý III/2014, mức giảm mạnh nhất trong 11 năm qua.
Tuy nhiên, các số liệu về số nhà bán ra, sản xuất công nghiệp cũng như chỉ số tiêu dùng đều thấp hơn so với dự đoán, thúc đẩy các chuyên gia kinh tế phải hạ bớt mức kỳ vọng cho sự phát triển kinh tế trong năm nay.
Tỷ lệ lạm phát đã liên tục ở dưới mức mục tiêu 2% trong 33 tháng qua. Thêm một lý do nữa để hạ mức mục tiêu 2% này xuống là sự sụt giảm mạnh của giá dầu, điều này khiến Fed có lý do để tin rằng giá tiêu dùng sẽ phục hồi nhờ giá năng lượng trở nên rẻ hơn.
Mức lương hiện tại ở Mỹ ít có sự biến động. mức lương trung bình theo giờ tăng 2% trong tháng Hai so với cùng thời gian năm ngoái, bằng với mức trung bình vào tháng 6/2009, khi nước Mỹ dần phục hồi sau suy thoái kinh tế.
Nhà kinh tế học tại BNP Paribas SA ở New York, Bricklin Dwyer cho biết: “nền kinh tế Mỹ đủ sức để chịu đựng việc tăng lãi suất”. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của phần lớn các nhà đầu tư theo một khảo sát của Bloomberg.