Hy vọng sớm tăng lãi suất của Fed bị phản đối mạnh

(ĐTCK) Tại Davos, chủ đề Fed bao giờ tăng lãi suất và tăng lên mức bao nhiêu tiếp tục là một điểm nóng. Áp lực khiến Fed phải tăng lãi suất là rõ ràng, nhưng sự phản đối cũng rất rõ nét.
Hy vọng sớm tăng lãi suất của Fed bị phản đối mạnh

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra ở Davos (Thụy Sỹ), ông Gary Cohn,  Thống đốc Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc cho biết Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ cố gắng nâng cao mức lãi suất trong năm nay giữa bối cảnh nền kinh tế giới chậm phát triển và tình trạng giảm phát vẫn đang là mối lo ngại tại Mỹ.

Thông điệp này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà kinh tế học khi họ hy vọng Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen và các đồng nghiệp, sẽ tăng lãi suất cơ bản đang ở gần mức 0%/năm từ 2008.

Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản siêu thấp trong suốt hơn 6 năm vừa qua. Dù bản thân bà Yellen đã từng phát biểu rằng Fed sẽ thấy thoải mái trong việc tăng lãi suất chừng nào các dấu hiệu khác về kinh tế còn khả quan và kỳ vọng lạm phát ổn định.

Và nếu như bà Yellen còn giữ quan điểm trên thì thời điểm này tỏ ra khá phù hợp.

“Nước Mỹ đang phát triển và đó là một thực tế không cần phải bàn cãi”, ông Cohn phát biểu.

“Điều khiến tôi quan tâm bây giờ là khả năng nước Mỹ sẽ tăng lãi suất giống như phần còn lại của cả thế giới đang làm”.

Còn theo bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì  “đây thực sự sẽ là một tin tốt” và rằng “Fed có lẽ nên nâng cao mức lãi suất trong năm nay”. 

Theo bà Christine Lagarde, quyết định này có thể là một bước tiến hữu ích cho kinh tế thế giới, Fed thặt chặt và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách tiền tệ.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc nâng lãi suất được dự báo sẽ giúp kinh tế Mỹ mạnh thêm. Và ngược lại, ECB nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp nền kinh tế các nước trong khối này tránh được “bóng ma” suy thoái.

Vào khoảng 14h30 chiều nay theo giờ địa phương, tại Frankfurt, Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ông Mario Draghi đang được mong đợi sẽ bắt đầu gói nới lỏng định lượng trị giá có thể lên tới 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD).

Còn với nước Mỹ, các nhân viên của Fed đã sẵn sàng bắt đầu đánh giá một cách tổng quát về nền kinh tế của nước Mỹ cũng như tình hình chung của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số tiêu dùng đáng thất vọng vừa được công bố cũng sẽ là thử thách đối với quyết tâm tăng lãi suất trong năm 2015.

Đây chính là một trong các lý do khiến không phải ai ở Davos cũng đánh giá cao việc Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ngoài chỉ số tiêu dùng thấp, còn có các dữ liệu cản trở khác như tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang đứng yên ở 5,6% vào tháng 12, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2008 và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,2 - 5,5% mà Fed từng dự đoán.

Giáo sư đại học Harvard, ông Summer cho biết: “Cho đến khi áp lực giảm phát vẫn còn, chúng ta không nên vội thay đổi”

Ông cũng đưa ra lời khuyên đối với bà Yellen và các đồng nghiệp nên “cẩn thận với những thông tin được truyền bá” bởi những tuyên bố của Fed và những gì thị trường tài chính mong đợi có thể rất khác biệt.

Trịnh Hằng (theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục