Mổ xẻ cổ phiếu dệt may

Hơn 20 doanh nghiệp dệt may đang chạy đua thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại ngập ngừng với cổ phiếu (CP) dệt may.
Nhà đầu tư nhìn vào... đất để mua cổ phiếu của doanh nghiệp dệt may. Nhà đầu tư nhìn vào... đất để mua cổ phiếu của doanh nghiệp dệt may.

Kết quả đấu giá cổ phần trong vòng ba tháng gần đây của các doanh nghiệp dệt may cho thấy, nhà đầu tư (NĐT) chẳng mấy mặn mà với ngành này. Giá đấu thành công bình quân của “đại gia” Tổng công ty May Việt Tiến chỉ ở mức 36.618 đồng/cổ phần.

 

Công ty cổ phần Dệt vải Phong Phú chỉ được ấn định ở mức 13.613 đồng/cổ phần và Công ty cổ phần dệt Gia dụng Phong Phú 13.485 đồng/cổ phần. Giá của Nhà máy Dệt Tân Tiến còn “hẻo” hơn, chỉ có 10.098 đồng/cổ phần.

 

Cổ phiếu dệt may có giá nhờ... đất

 

Giữa sự hững hờ của giới đầu tư đối với ngành dệt may, CP của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) nổi lên như một điểm sáng. Ngày giao dịch đầu tiên trên sàn niêm yết (15/10), TCM đạt mức 56.500 đồng/CP, sau đó tăng liên tục trong 12 phiên với giá đỉnh là 110.000 đồng/CP. TCM chỉ chịu hạ nhiệt khi thị trường điều chỉnh trong hai tuần qua, đóng cửa ở mức 86.000 đồng/CP ngày 16/11.

 

Giá CP của TCM đã gây bất ngờ lớn với chính lãnh đạo của công ty này. Tuy nhiên, theo nhiều NĐT, họ đánh giá cao TCM chỉ vì những dự án... bất động sản mà công ty này đã và đang tham gia.

 

Ông Hoàng Ngọc Tùng, NĐT trên sàn chứng khoán (CK) BSC cho biết, đang nắm 10.000 CP TCM, mua từ lúc đấu giá đến nay chỉ vì TCM đang chuẩn bị xây dựng khu dân cư thương mại - căn hộ cao cấp tại số 8 Trường Chinh với quỹ đất lên đến 6,4 ha và tham gia thành lập công ty CK.

 

“Tôi biết, TCM có thế mạnh về bất động sản và tài chính với khoảng 6 dự án hạ tầng và du lịch hấp dẫn nên quyết chí lao vào, chứ chỉ dựa vào lợi tức từ hoạt động dệt may không thôi thì... còn lâu”, ông Tùng cho biết.

 

Một chuyên gia CK cũng cho rằng, thông tin về các doanh nghiệp (DN) dệt may nếu không được kèm theo... mấy lô đất thì hầu như không có NĐT nào quan tâm. Chính vì vậy, những DN chưa có dự án bất động sản để công bố ra công chúng đành phải chịu để CP rơi vào cảnh chợ chiều. Trên sàn CK chưa niêm yết, giá CP của May Nhà Bè, Việt Tiến, Đồng Tiến, Sài Gòn 3... chỉ dao động từ 2-5 “chấm”.

 

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam , trong hai tháng cuối năm và quý I/2008 sẽ có thêm hơn 20 DN ngành dệt may tiến hành IPO hoặc phát hành thêm cổ phần ra bên ngoài. Trong đó có Dệt Nam Định, May Sài Gòn 2, May Sài Gòn 3, May Nhà Bè, Dệt may Thắng Lợi...

 

Khi nào dệt may khởi sắc?

 

Theo các nhà môi giới CK, để tư vấn các NĐT mua CP dệt may là một điều cực kỳ khó vì ngành này nhìn đâu cũng thấy điểm...yếu. Ngành dệt phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (70% nguồn xơ, sợi là nhập khẩu), công nghệ còn lạc hậu so với thế giới, lợi nhuận thực thu chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Trong khi đó, ngành may gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các hợp đồng gia công, trong khi muốn phát triển và tạo ra đột biến về lợi nhuận cần phải đi liền với thiết kế thời trang.

 

Ngoài ra, “án treo” của chương trình giám sát dệt may của Mỹ đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đã tác động không nhỏ đến tâm lý của DN Việt Nam lẫn các nhà nhập khẩu, khi cả hai bên đều không biết rõ số phận của các hợp đồng đã ký sẽ như thế nào nếu phía Mỹ đơn phương điều tra khởi kiện phá giá.

 

Theo ông Ân, vì nhiều lý do mà hầu hết các DN dệt may vẫn chưa tham gia mạnh vào TTCK. “Nếu các DN chỉ dựa chủ yếu vào sản phẩm của chính mình để giới thiệu với NĐT thì sức hấp dẫn sẽ không cao, trừ phi họ kinh doanh thêm một số ngành nghề khác”, ông Ân thừa nhận.

 

Coi chừng lo đất mà quên... dệt, may

 

Theo các CTCK, tỷ lệ vốn đầu tư của các DN rót vào ngành dệt còn rất lớn, vì vậy các DN cần nỗ lực khai thác tối đa hệ thống máy móc để chứng minh cho NĐT thấy sức mạnh của ngành hoạt động xương sống của mình. "Nếu các DN chạy đua vào đầu tư bất động sản và tài chính để tạo ra hấp lực mới đối với các NĐT mà bỏ quên hoạt động dệt may sẽ là một sự lãng phí rất lớn đối với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, trong quá trình cổ phần hóa các DN dệt may, Nhà nước cần lưu tâm đến việc các DN lo khai thác mặt bằng hiện có mà đắp chiếu các dây chuyền máy móc", lãnh đạo một CTCK phân tích.

 

Lãi ít làm sao mà hấp dẫn

 

Một lý do khác là nhiều NĐT tỏ ra lo ngại khi nhìn vào báo cáo tài chính của các DN may. Một số DN cho thấy, tỷ suất sinh lợi trên vốn còn thấp, tỷ lệ nợ lại khá lớn.

 

"Nói chung, khi đầu tư vào bất kỳ một DN nào, NĐT cần phân tích triển vọng ngành trước, nhưng với ngành dệt may thì triển vọng không cao, vì vậy việc thuyết phục NĐT đối với từng DN là một thách thức không nhỏ”, nhà phân tích CK Lê Đạt Chí lý giải.


TT

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,223.78 7.42 0.61% 58,152 tỷ
HNX 228.67 1.18 0.51% 528 tỷ
UPCOM 89.87 0.17 0.19% 269 tỷ