
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vận hành (28/7/2000 – 28/7/2025), sáng 23/7/2025, Báo Tài chính – Đầu tư (cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính) tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”. Sự kiện quy tụ lãnh đạo các cơ quan quản lý, chuyên gia tài chính, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước nhằm thảo luận về các trụ cột thể chế, chính sách vĩ mô và giải pháp thúc đẩy dòng vốn trong giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Văn Hoành, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư đánh giá, sau một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng.
Từ những phiên giao dịch ban đầu khá “nhỏ giọt” và “buồn tẻ” với chỉ 2 mã cổ phiếu, TTCK Việt Nam đã dần trở thành một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời cũng là một “sân chơi” hết sức sôi động, thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.
Đặc biệt, gần đây, thị trường chứng kiến những phiên giao dịch "bùng nổ" với thanh khoản vượt qua Thái Lan, cao nhất trong các thị trường khu vực ASEAN.
"Phải chăng đang có lực đẩy từ những dòng vốn đầu tư đón đầu cơ hội lớn tại TTCK Việt Nam", ông Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư đặt vấn đề và đánh giá, nhìn vào bức tranh chung của nền kinh tế, cộng với kỳ vọng từ những động thái tích cực sắp tới của thị trường, chắc chắn mỗi người đều có kiến giải riêng cho sự nhộn nhịp của các hoạt động giao dịch gần đây.
Trình bày tham luận tại Tọa đàm, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá, TTCK Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài là hết sức đáng kể.
![]() |
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu, Dragon Capital phát biểu tại Toạ đàm bằng hình thức trực tuyến tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh |
Bà Minh cho biết, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 50 - 55% GDP. So với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là đạt 120% GDP, thị trường cần tăng trưởng gấp đôi quy mô hiện tại.
Về triển vọng nâng hạng, chuyên gia Dragon Capital tin tưởng, với những quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, việc nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell sẽ đạt được vào tháng 9 tới. Thậm chí, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI trong vòng 18 - 24 tháng tiếp theo.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, các tiêu chí “cứng” theo yêu cầu để xét nâng hạng đã cơ bản được đáp ứng. Với các tiêu chí “mềm”, điều kiện chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
![]() |
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì kênh trao đổi thường xuyên với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế. Qua trao đổi, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao khung pháp lý, tiềm năng tăng trưởng cũng như tính thanh khoản của thị trường Việt Nam.
Theo ông Hải, việc nâng hạng, nếu đạt được trong tháng 9 tới, là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây không phải đích đến, mà là bước đệm cho mục tiêu dài hạn: xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và hấp dẫn dòng vốn dài hạn.
“Dù việc nâng hạng có được chính thức công nhận ngay hay chưa, thì những cải cách đã và đang triển khai đều mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Nói về cơ hội của doanh nghiệp niêm yết, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, so với 2 - 3 năm trước, khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nội lực của khối doanh nghiệp đang hồi sinh và trên đà phát triển. Hiện trên HOSE có 390 doanh nghiệp niêm yết, với vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng.
"Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh cung ứng vốn trung dài và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp", bà Đào nhấn mạnh và cho biết, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài tìm được "bến đỗ", sẽ mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế.
![]() |
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE |
Về tiến trình nâng hạng thị trường, bà Đào cho biết, HOSE đã triển khai thành công hệ thống công nghệ giao dịch mới cho toàn bộ thị trường (KRX). Đây là nền tảng để phục vụ nâng hạng thị trường.
"Với hệ thống kỹ thuật hiện tại, việc ra mắt sản phẩm mới sẽ được rút ngắn. HOSE đang cùng Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) lên lộ trình cho sản phẩm mới. Hiện tại, chúng tôi tập trung ổn định hệ thống, đáp ứng nhanh, kịp thời khối lượng giao dịch hiện nay", bà Đào nói.
Về hàng hóa mới, bà Đào cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang có chủ trương tạo nguồn hàng tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn với quy trình mới, sẽ triển khai quy trình gắn IPO với niêm yết.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có hai lựa chọn, thứ nhất là công ty đại chúng và giao dịch trên UPCoM hai năm; thứ hai là phát hành cổ phiếu ra công chúng sau đó niêm yết.
"Trước đây hai quy trình tách biệt, sau khi phát hành thì mất thêm thời gian làm quy trình niêm yết. Hiện tại, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đang có chỉ đạo rốt ráo để ghép hai quy trình với nhau, sau khi phát hành thì mất thời gian ngắn nhất để lên giao dịch. Khi cổ phiếu có thanh khoản tốt, thu hút nhà đầu tư trên thị trường thì sẽ có lộ trình để rút ngắn quy trình này", bà Đào nói.