Lợi nhuận quý II phân hóa rõ rệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận quý II/2025 của doanh nghiệp niêm yết đang chia thành hai thái cực rõ rệt: nhiều ngành thăng hoa nhờ phục hồi thị trường, trong khi không ít vẫn chật vật giữa áp lực chi phí và sức cầu yếu.
Các ngân hàng lớn ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 tăng trưởng hai chữ số Các ngân hàng lớn ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 tăng trưởng hai chữ số

Ngân hàng, bán lẻ và công nghệ dẫn dắt thị trường

Theo các báo cáo tài chính đã công bố, nhóm ngân hàng vẫn là đầu tàu kéo lợi nhuận toàn thị trường. Các nhà băng lớn như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), MB (MBB) và VietinBank (CTG) đều báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, MB đạt lợi nhuận trước thuế 15.889 tỷ đồng trong quý II/2025, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21% và tăng trưởng tín dụng 12,5%. MB tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về hiệu quả huy động vốn, khi tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ước tính đạt 38% - mức cao nhất toàn ngành. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của MB hiện vượt 297.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng huy động hơn 783.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, Techcombank (TCB) được Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đạt 7.850 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ và tăng 8,5% so với quý trước. Năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16,4% và lợi nhuận trước thuế 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024.

Thống kê từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, đến 30/6/2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,9% so với đầu năm, vượt xa mức 6,1% của cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ tín dụng doanh nghiệp nhờ lãi suất cho vay thấp, trong khi tín dụng bán lẻ tăng trưởng chậm hơn do nhu cầu vay mua nhà và tiêu dùng còn yếu.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu MBS dự báo, hoạt động cho vay nửa cuối năm 2025 sẽ được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Quốc hội về khu vực kinh tế tư nhân (khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền). Đặc biệt, việc hướng tới bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có nền tảng tốt, bao gồm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, chi phí vốn và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp, tăng sức cạnh tranh.

“MBS dự báo, lợi nhuận ròng của các ngân hàng theo dõi sẽ tăng 13,5% năm 2025 và 21% năm 2026, với khối ngân hàng tư nhân dẫn đầu (tăng 25,9% năm 2025)”, bà Hiền nói.

Ngành bán lẻ cũng ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ rệt, đặc biệt tại các doanh nghiệp kiểm soát tốt tồn kho và chi phí như MWG, FRT. Sức mua nội địa cải thiện cùng các chương trình kích cầu giúp nhiều doanh nghiệp đạt tăng trưởng doanh thu hai chữ số.

Trong nhóm công nghệ, FPT tiếp tục là điểm sáng với tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%, nhờ doanh thu dịch vụ chuyển đổi số và xuất khẩu phần mềm tăng mạnh. FPT cũng mở rộng sang trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục số, ghi nhận kết quả khả quan cả trong và ngoài nước.

Bất động sản, thép vẫn đối mặt áp lực lớn

Quý II/2025 là quý bản lề, cho phép nhà đầu tư nhìn rõ hơn sự dịch chuyển dòng tiền và chuẩn bị cho sự lựa chọn cổ phiếu phù hợp cho nửa cuối năm.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp như Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR), Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) vẫn báo lỗ hoặc lợi nhuận giảm sâu do thanh khoản thị trường chưa cải thiện, tồn kho cao và chi phí lãi vay lớn.

Điển hình, trong quý I/2025, DIG ghi nhận doanh thu giảm 5,3% (đạt 176,5 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 45,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 121,2 tỷ đồng). Đại diện DIG cho biết, lợi nhuận quý II/2025 có cải thiện, nhưng thường tập trung vào nửa cuối năm khi doanh nghiệp bàn giao dự án. Năm 2025, DIG đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 718 tỷ đồng, lần lượt tăng 143,2% và 354,2% so với mức thực hiện năm 2024.

MBS nhận định, kết quả kinh doanh quý II/2025 của các doanh nghiệp bất động sản dân cư chưa có nhiều đột phá do chủ yếu đến từ bàn giao sản phẩm ở dự án cũ. Lợi nhuận nhóm này được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm, khi các dự án mới được bàn giao.

Vinhome (VHM) được dự báo đạt lợi nhuận ròng 7.800 tỷ đồng trong quý II/2025 nhờ mở bán dự án Wonder City và ghi nhận từ dự án Royal Island, OCP 2 & 3. Mức lợi nhuận này giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái do quý II/2024 có lãi lớn từ dự án Royal Island. Lũy kế 6 tháng, VHM hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025.

Trong khi đó, lợi nhuận quý II/2025 của Khang Điền (KDH) được MBS dự báo giảm 59%. Kết quả kinh doanh quý II của KDH chưa có nhiều đột biến do hoạt động mở bán và bàn giao 2 dự án Clarita và Emeria chưa diễn ra đúng tiến độ. Lợi nhuận chủ yếu đến từ bàn giao phần còn lại của dự án The Privia. Lũy kế nửa đầu năm 2025, KDH ước hoàn thành 23,7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tương tự, lợi nhuận của Nam Long (NLG) cũng được dự báo giảm do chỉ bàn giao số ít sản phẩm còn lại tại dự án Akari giai đoạn 2, đất nền tại Nam Long Cần Thơ và sản phẩm thấp tầng thuộc Southgate tại Long An.

Ngành thép và vật liệu xây dựng cũng trải qua quý II trầm lắng, nhưng sự phân hóa diễn ra ngay trong nội bộ ngành. Hòa Phát (HPG) vẫn tiếp tục là điểm sáng với doanh thu ước đạt hơn 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.300 tỷ đồng trong quý II/2025. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ước đạt doanh thu hơn 74.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận này chủ yếu nhờ mảng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) gia tăng sản lượng, cùng giá than cốc thấp và giá bán thép ổn định. Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 cũng đang hoạt động tích cực, đạt khoảng 70% công suất giai đoạn 1 (theo VDSC).

Đối với Hoa Sen (HSG), VDSC dự báo, sản lượng tôn mạ và ống thép quý II/2025 tăng 12% so với quý I, với biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ giá bán tốt và nguyên liệu ổn định.

Ngược lại, sản lượng của Thép Nam Kim (NKG) quý II/2025 dự kiến giảm so với quý I, chủ yếu do kênh xuất khẩu bị thu hẹp đáng kể. Ước tính, NKG ghi nhận 3.800 tỷ đồng doanh thu và 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, lần lượt giảm 33% và 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thể, quý II/2025 là thời điểm chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngành. Những ngành có khả năng tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ trong nước và ít chịu ảnh hưởng từ thương mại quốc tế đang ghi nhận đà tăng trưởng mạnh. Ngược lại, các ngành phụ thuộc vào chu kỳ toàn cầu như bất động sản dân cư, dầu khí hay xuất khẩu đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục