Mở room, yêu cầu bức thiết

(ĐTCK) Nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của các NĐT nước ngoài đang là một yêu cầu bức thiết không chỉ đối với TTCK, mà còn đối với cả nền kinh tế.
Độ mở đối với tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các công ty niêm yết là một tiêu chí trọng yếu để nâng hạng TTCK

Cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP. Một nội dung trọng yếu của bản dự thảo mà các NĐT quan tâm là nới tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài đối với các công ty đại chúng. Một lần nữa, vấn đề này được đặt ra và tranh luận sôi nổi, với kỳ vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự đột phá về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho TTCK và nền kinh tế phát triển.

Với xu hướng hội nhập tất yếu của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, nguồn vốn đầu tư từ các NĐT nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, luôn chiếm một tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội (trên 20%). Các NĐT nước ngoài với kinh nghiệm quản trị và tiềm lực tài chính cao được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho các doanh nghiệp thông qua việc thay đổi chiến lược, gia tăng khả năng quản trị, cải thiện hiệu quả hoạt động và hỗ trợ về nguồn vốn.

Tuy nhiên, dòng vốn này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng khi quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa 49% của các NĐT nước ngoài đối với các công ty đại chúng đã trở thành rào cản cho hoạt động đầu tư của các NĐT ngoại. Khi đầu tư tại Việt Nam, các NĐT nước ngoài thường mong muốn tỷ lệ sở hữu cao nhằm tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp, do đó quy định tối đa về tỷ lệ sở hữu khiến không ít NĐT nản lòng. Về vấn đề này, Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…, khi các quốc gia này có rất ít ngành nghề hạn chế các NĐT nước ngoài về tỷ lệ sở hữu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và phấn đấu vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 vào cuối năm 2015 và tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế vào cuối năm 2016, thì động thái nới tỷ lệ sở hữu tối đa 49% của các NĐT nước ngoài đối với các công ty đại chúng là thông điệp mạnh mẽ nhất, xóa tan sự băn khoăn của các NĐT nước ngoài về cam kết cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2015, Chính phủ đặt ra mục tiêu đầy thách thức trong việc tái cơ cấu khu vực DNNN, trọng tâm là nhiệm vụ cổ phần hóa hơn 280 doanh nghiệp, gần gấp đôi so với con số thực hiện năm 2014. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì việc khuyến khích các NĐT nước ngoài có tiềm lực về vốn và năng lực quản trị sẽ đóng vai trò không nhỏ trong thành công của kế hoạch trên. Sự tham gia của các đối tác chiến lược nước ngoài với tư duy quản trị mới cũng hết sức cần thiết trong việc chuyển đổi cơ bản mô hình hoạt động của các DNNN sau cổ phần hóa, tạo điều kiện cho công cuộc tái cơ cấu thành công.

Nếu tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thấp, thì mục tiêu thu hút nhân tố mới nhằm thay đổi cơ bản năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khó có thể đạt được. Các doanh nghiệp này nhiều khả năng rơi tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

Đối với TTCK, các NĐT nước ngoài cũng đang có nhiều đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường. Trong năm 2014, giá trị giao dịch của khối ngoại đạt 12.235 tỷ đồng trên HNX và 134.000 tỷ đồng trên HOSE. Tuy nhiên, sự tham gia của các NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam còn khiêm tốn, một phần do quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nêu trên.

Một số công ty quản lý quỹ nước ngoài như Templeton Asset Management, Dragon Capital chia sẻ, họ không thể mua thêm nhiều cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt vì tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị hạn chế. Trên thực tế, đa số các cổ phiếu blue-chip như VNM, DHG, REE, FPT, PNJ, CTD, BBC… đã không còn room trống cho các NĐT nước ngoài mới tham gia.

TTCK Việt Nam hiện tại được xếp vào nhóm các thị trường cận biên và tiệm cận thị trường nhóm các thị trường mới nổi. Để được nâng hạng, thị trường cần phải đảm bảo 2 nhóm tiêu chí chính là quy mô, thanh khoản và tiếp cận thị trường. Độ mở đối với tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài trong các công ty niêm yết chính là một tiêu chí trọng yếu, quyết định việc đảm bảo tiêu chí tiếp cận thị trường.

Có thể thấy, việc nới tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài tại các công ty đại chúng là một nhu cầu hết sức bức thiết hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng không thể đứng ngoài hệ thống kinh tế và TTCK toàn cầu.

Hoàng Công Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu MBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục