Ông Andy Ho lập luận, nếu mở room lên 60%, nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng sở hữu cổ phiếu ở một số DN tốt như VNM, SSI, HCM… Vì vậy, chính sách mở room có thể được những nhà đầu tư theo trường phái chủ yếu giao dịch trên sàn yêu thích. Còn đối với những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư vào những DN tăng trưởng, đầu tư lâu dài như VinaCapital thì chính sách này cũng quan trọng, nhưng không quá lớn, vì họ đã đầu tư vào những DN tốt từ khi chưa lên niêm yết.
Xét về quyền cổ đông của nhà đầu tư ngoại, theo ông Andy Ho, khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 60% cũng không có gì khác so với khi sở hữu 49%. Nhà đầu tư nước ngoài không thể đơn phương quyết định các vấn đề của DN. Đó chính là lý do vì sao mở room ở tỷ lệ 60%, chứ không phải là 65%, tỷ lệ đủ quyền biểu quyết thông qua các quyết định của ĐHCĐ.
Andy Ho phân tích, khi room được mở đến 60%, để lấp đầy room một số cổ phiếu yêu thích, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần từ 1-2 tuần. Còn với các cổ phiếu không hợp khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài thì việc nới room lên 60% cũng không làm cổ phiếu đó hấp dẫn hơn.
Thực tế, thời gian qua, thông tin mở room cho khối ngoại đã góp phần tạo nên nhiều con sóng nhỏ cho TTCK, nhất là ở những cổ phiếu đã hết room. Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhà đầu tư và tăng thanh khoản cho cổ phiếu, không ít DN đã xin ĐHCĐ thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại để đón đầu chính sách. Tuy nhiên, khi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư lớn thì mức độ nhiệt tình của họ với chính sách mở room hay phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) chỉ ở mức “nếu có thì cũng tốt”. Xét cho cùng, quy mô thị trường vẫn là một điểm yếu của TTCK Việt Nam. Và các giải pháp như mở room hay NVDR ở thời điểm này chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thêm một chút cơ hội đầu tư, còn về cơ bản không làm tăng quy mô thị trường lên một mức đáng kể.
Tại các diễn đàn lớn, các kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào vấn đề cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN Nhà nước và đưa lên niêm yết, chứ không chỉ là kiến nghị mở room. Đây mới là giải pháp căn cơ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói riêng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.
Nói thêm về chính sách nới room cho nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư nước ngoài thì cho rằng sở hữu 60% cổ phần không thay đổi gì nhiều so với tỷ lệ 49% về quyền cổ đông ngoại trừ số cổ phần tăng lên về số lượng như đã phân tích ở trên. Còn phía cơ quan lập pháp vẫn còn có ý kiến lo ngại rằng, mở room lên 60% thì các công ty nước ngoài dễ dàng thâu tóm các DN trong nước.
Điều này diễn ra trên thực tế thế nào? Ngay cả với tỷ lệ tối đa 49%, một số nhà đầu tư đến một số nước châu Á đã có cách để chi phối các công ty trong nước bằng việc liên kết với các đối tác trong nước. Đã có những công ty niêm yết có thể coi là đã bị đối tác ngoại thâu tóm khi họ sở hữu tỷ lệ tối đa cộng với hỗ trợ từ đối tác nội đã chi phối DN từ việc bầu lại HĐQT, Ban Tổng giám đốc. Tuy nhiên, sự thay máu này có tác dụng tích cực nhiều hơn khi DN được hỗ trợ toàn diện về thị trường, quản trị… Các cổ đông nhỏ lẻ trong nước vì thế cũng được hưởng lợi. Bản thân các cổ đông ngoại cũng muốn tiếp tục huy động vốn ở thị TTCK Việt Nam để phát triển DN mà họ đã chi phối nên vận hành DN khá minh bạch.
Suy cho cùng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay để vốn nước ngoài chảy vào qua kênh đầu tư gián tiếp ở mức độ lớn thì ranh giới giữa DN nước ngoài hay DN trong nước mà cổ đông nước ngoài chi phối rất mờ nhạt.
Với những DN quy mô vừa và nhỏ, nên sớm cho nhà đầu tư nước ngoài được thoái mái hơn về room, để thúc đẩy tái cơ cấu, tăng sức cạnh tranh cho các DN này. Còn các DN Nhà nước lớn chỉ cần đẩy nhanh cổ phần hóa, chưa cần tăng room cũng đã rất hấp dẫn khối ngoại.