Mở room, DN nào sẽ bị thâu tóm đầu tiên?

Với các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, GAS..., khối ngoại luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất cứ khi nào có cơ hội.
Mở room, DN nào sẽ bị thâu tóm đầu tiên?

 

Gần đây, kiến nghị mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại khiến các nhà đầu tư trong nước phải suy tư, khi nghĩ tới việc nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam sẽ bị mất đi vĩnh viễn.

 

Cách đây vài ngày, trong đề xuất giải quyết nghịch lý chênh lệch giá giữa công ty trong sàn và ngoài sàn, VAFI cho rằng: quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý công ty ngoài sàn bán cổ phần được giá cao hơn so với công ty niêm yết, và “là lực cản trong vấn đề huy động vốn và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, room hạn chế là rào cản lớn trong việc làm thay đổi cấu trúc cổ đông. Lập luận không sai, nhưng đó chỉ là mặt của một vấn đề”.

 

Một giám đốc môi giới chứng khoán kể rằng, giới đầu tư ngoại nhận định rằng, tuy kinh tế Việt Nam chưa đạt đến tầm khủng hoảng như nước bạn Thái Lan năm 1997, nhưng sóng thâu tóm doanh nghiệp Việt sắp bùng lên. Trên thị trường chứng khoán hiện nay, đang có khá nhiều tin đồn râm ran về việc các thương hiệu rất lớn (kể cả đã niêm yết) sẽ bán đa số cổ phần cho nước ngoài, thậm chí bán đứt luôn, tất nhiên giá cả thì cao hơn hẳn so với giá đang giao dịch trên sàn HOSE hay HNX.

 

Lúc này nếu nhìn vào con số thì giá bán cho đối tác chiến lược quả là cao, tuy nhiên xét về dài hạn chắc gì giá đó đã cao? Bởi có 3 yếu tố cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, cổ phiếu trên sàn niêm yết đã rớt giá mạnh, thanh khoản cũng giảm mạnh, có nhiều mã chứng khoán còn rớt xuống mức giá sàn chỉ vì ai đó đặt bán 1-2 lô. Ngoài ra, giá trên sàn luôn dao động theo tâm lý nhà đầu tư, khi thị trường chứng khoán hưng phấn thì giá nào cũng rẻ, khi bi quan thì kiểu gì cũng đắt.

 

Cứ lấy ví dụ các đại gia bất động sản như: KBC, ITA, SJS..., bây giờ nếu nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này thì chắc nhiều nhà đầu tư sẽ nghĩ ngay đến chuyện bán, tuy nhiên nếu có thông tin “cứu trợ” thì mấy mã này ngay lập tức trở thành nóng ngay. Còn các đối tác chiến lược, họ đâu có tâm lý kiểu đó, vì thế giá của loại giao dịch riêng lẻ này đâu nhất thiết phải bám sát giá trên sàn.

 

Thứ hai, theo giới phân tích, đã là thâu tóm thì đừng mong áp dụng được một phương pháp hay mô hình nào, bởi vì mô hình chỉ đóng góp 50% vào cái quyết định giá mua bán thôi. Các nhà đầu tư có ý định đi thâu tóm sẽ còn phải tính và soi nhiều thứ khác, ví dụ như: lợi thế về đất đai, giá trị thương hiệu, lợi thế riêng có, khả năng khống chế, lũng đoạn cả 1 nhóm ngành nhờ nắm được công ty lớn nhất trong ngành đó, thỏa thuận đi kèm nào đó mà cổ đông nhỏ lẻ có khi chả bao giờ được biết... tất cả những thứ đó đều được đặt lên bàn cân trước khi quyết định thâu tóm.

 

Thứ ba, cũng theo giới chuyên môn, trong cái thời hoàng kim của chứng khoán - những tháng đầu năm 2007, đã có rất nhiều tổ chức đầu tư, kể cả nước ngoài mua cổ phiếu với cái giá ngất ngưởng, 200.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí là 300.000 đồng, 400.000 đồng/cổ phiếu... Mua giá đó nhưng họ đầu tư dài hạn, có định giá bài bản chuyên nghiệp và điều quan trọng nhất là họ vui với thương vụ đó vì không cho là giá đó quá cao. 

 

Đến lúc này, đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã nghiêng rất nhiều về hướng chấp nhận mở, vấn đề cần bàn là sẽ mở thế nào, mở bao nhiêu và mở khi nào. Tuy nhiên, trước khi quyết định nới room được ban hành, vẫn có những ý kiến đề xuất rằng: nếu mở thì xin ưu ái dành cho các nhà đầu tư trong nước trước, kẻo các công ty lớn, thương hiệu lớn của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài hết.

 

Bởi nếu mở room quá 50%, công ty niêm yết nào sẽ về tay nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên? Chắc chắn là những doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, GAS..., vốn là những doanh nghiệp mà room cho khối ngoại lúc nào cũng “chật căng” và khối ngoại luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất cứ khi nào có cơ hội.


VNE

Tin cùng chuyên mục