Hành lang pháp lý thúc đẩy hợp tác
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số một cách cụ thể, hiệu quả. Tiêu biểu là Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung 8 luật về tài chính, đấu thầu, đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Luật này mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP, tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70%, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định dự án, đồng thời có nhiều ưu đãi đặc biệt cho dự án khoa học công nghệ. Quy trình thẩm định được rút ngắn, cho phép chỉ định nhà đầu tư đặc biệt với doanh nghiệp sở hữu công nghệ chiến lược. Nhà nước hỗ trợ đến 70% vốn hạ tầng và chia sẻ rủi ro doanh thu trong 3 năm đầu. Luật cũng tháo gỡ vướng mắc về thành lập doanh nghiệp dự án, linh hoạt trong xử lý sản lượng, doanh thu dự án BOT, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển bền vững.
Để cụ thể hóa, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế, chính sách hợp tác công - tư trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này, các tập đoàn công nghệ lớn đã đóng góp nhiều ý kiến. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong PPP, đồng thời đề nghị làm rõ cơ chế quản lý tài sản công và giá vốn. Về mô hình hợp tác ba nhà (Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp), ông đề xuất hoàn thiện các quy định về tỷ lệ vốn và trách nhiệm khi thành lập công ty cổ phần hoặc hợp đồng hợp tác.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho rằng, khi triển khai các dự án PPP, cần xác định rõ dự án nào phù hợp với mô hình này. Những dự án có thị trường rõ ràng, nhất là dự án phục vụ nhu cầu công cộng còn thiếu hụt, nên ưu tiên PPP để tận dụng nguồn lực xã hội. Ông Quảng cũng chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình quỹ đầu tư định hướng của Trung Quốc - nơi nhà nước không trực tiếp rót vốn, mà chủ yếu đánh giá, chấp thuận và đầu tư bổ sung vào quỹ do tư nhân thành lập.
Tập đoàn Viettel thì quan tâm quy định chỉ định nhà đầu tư. Viettel lưu ý rằng, nhiều công nghệ chiến lược như dịch vụ điện toán đám mây, hạ tầng mạng khó chứng minh sở hữu bản quyền rõ ràng, nên quy định ưu tiên này có thể tạo lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài vốn sở hữu công nghệ tiên tiến, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, Viettel đề nghị ưu tiên nhà đầu tư có năng lực cung cấp và phát triển công nghệ, thay vì chỉ dựa vào sở hữu bản quyền.
Làm rõ trách nhiệm “ba bên”
Chính phủ đã đặt mục tiêu dành 3% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ trong năm 2025 và trong giai đoạn 2020-2030 sẽ nâng mức chi này lên 2% GDP. Với quy mô ngân sách hiện nay, đây là nguồn lực rất lớn, nhưng để phát huy hiệu quả cần có sự tham gia của doanh nghiệp và các nguồn vốn xã hội.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Nghị định số 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2025. Đây là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tháo gỡ những hạn chế trong quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Lắng nghe tiếng nói từ nhiều đối tượng liên quan, tại Nghị định, Chính phủ ưu tiên hợp tác trong chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng số, khuyến khích tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều ưu đãi như hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm đất đai và chia sẻ rủi ro. Quy trình thủ tục được đơn giản hóa, phân cấp rõ ràng, rút ngắn thời gian giải quyết.
Về trách nhiệm của “ba bên” khi triển khai các chính sách, ông Phạm Thy Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, kinh nghiệm quan trọng nhất là xác định rõ vai trò của từng bên trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước có vai trò xác định mục tiêu, định hướng phát triển công nghệ và chuyển đổi số… Các tổ chức khoa học công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, vận hành cơ sở hạ tầng, đồng thời là nơi thực hành, ứng dụng các công nghệ mới và tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm ra thị trường.
“Nghị định đã có điều quy định rất rõ trách nhiệm của các bên nhằm đảm bảo khi triển khai hợp tác, mỗi bên đều hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của mình”, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh.
Về ưu đãi thuế, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ được tính chi phí nghiên cứu và phát triển vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế lên đến 200% chi phí thực tế. Ngoài ra, còn có các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, quỹ rủi ro và cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu theo quy định pháp luật.
Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm bảo vệ quyền lợi các bên và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Việc hợp tác công - tư sẽ tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đồng thời doanh nghiệp chủ đầu tư cũng có trách nhiệm cao hơn trong quản lý và phát triển dự án, giúp tận dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.