
Việt Nam đang đứng trước cơ hội đặc biệt để đón đầu làn sóng tăng trưởng của thị trường tài sản được token hóa nhờ tốc độ phát triển kinh tế số nhanh chóng và lợi thế pháp lý khi Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025, cùng với Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ xác định hạ tầng mạng blockchain, tài sản số, tiền số, tiền mã hóa và hệ thống truy xuất nguồn gốc là các sản phẩm công nghệ chiến lược.
Lớp tài sản mới dẫn đầu cơ hội bùng nổ toàn cầu
Trong bối cảnh công nghệ blockchain đang bước vào giai đoạn trưởng thành, token hóa tài sản thực (Real World Asset - RWA) nổi lên như một trong những hướng đi chiến lược giúp số hóa nền tài chính toàn cầu.
Dự báo của Ripple và Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, quy mô thị trường tài sản được token hóa có thể đạt tới 18.900 tỷ USD vào năm 2033, tương đương mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 53% kể từ năm 2025.
Token hóa tài sản thực là quá trình số hóa các tài sản truyền thống như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, nghệ thuật, tín dụng thương mại… thành các token kỹ thuật số trên blockchain. Những token này đại diện cho quyền sở hữu hoặc quyền lợi pháp lý tương đương, cho phép giao dịch dễ dàng, minh bạch và phân mảnh quyền sở hữu nhờ các ưu điểm của blockchain.
“Không giống với tiền mã hóa mang tính đầu cơ, token RWA gắn liền với các tài sản có giá trị thực trong đời sống, giúp tăng khả năng thanh khoản, mở rộng khả năng tiếp cận đầu tư quy mô toàn cầu nhờ khả năng giao dịch xuyên biên giới và giảm đáng kể chi phí trung gian”, bà Nguyễn Vân Hiền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết.
BCG cũng lý giải lý do vì sao RWA sẽ duy trì tăng trưởng hai chữ số liên tục trong gần một thập niên thông qua 5 trường hợp ứng dụng điển hình tại các thị trường đầu tư lớn gồm: trái phiếu, bất động sản, quản lý tài sản thế chấp, quản lý tiền mặt - nguồn vốn và tài chính thương mại.
Cụ thể, với trái phiếu, việc token hoá có thể giúp đơn vị phát hành tiết kiệm 40 - 60 triệu USD mỗi năm khi phát hành 100 tỷ USD trái phiếu nhờ giảm vai trò trung gian và tự động hóa quy trình phát hành, thanh toán và tuân thủ thông qua hợp đồng thông minh.
Với bất động sản, RWA có thể giúp một quỹ quản lý 5 tỷ USD tài sản tiết kiệm 100 -150 triệu USD trong 5 năm nhờ giảm chi phí hành chính thông qua tự động hóa, đồng thời có thể huy động thêm 500 triệu - 1 tỷ USD nhờ chia nhỏ các khoản đầu tư, mở rộng khả năng tiếp cận nhà đầu tư.
![]() |
Thị trường tài sản được token hóa được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, đạt 18.900 tỷ USD vào năm 2033. |
Với quản lý tài sản thế chấp, RWA có thể giúp một ngân hàng toàn cầu xử lý 100 tỷ USD khối lượng giao dịch hàng ngày, tiết kiệm 150 - 300 triệu USD mỗi năm bằng cách giảm lượng tài sản thế chấp nhàn rỗi và đẩy nhanh chu kỳ thanh toán.
Với quản lý tiền mặt và nguồn vốn, một tập đoàn đa quốc gia quản lý 1 tỷ USD tiền nhàn rỗi và 10 tỷ USD thanh toán có thể tiết kiệm 55 - 140 triệu USD mỗi năm nhờ gia tăng lợi suất, giảm chi phí ngoại hối và vận hành, đồng thời nâng cao hiệu quả thanh khoản thông qua sử dụng tiền mã hóa.
Đặc biệt, trong tài chính thương mại và vốn lưu động, việc token hoá có thể giúp một công ty xử lý 50 tỷ USD giao dịch tiết kiệm 2 - 4 tỷ USD mỗi năm nhờ rút ngắn thời gian thanh toán hóa đơn và lập trình thanh toán tự động. Công ty này cũng có thể tiết kiệm thêm 20 - 50 triệu USD chi phí tài chính nhờ số hoá và lập trình sẵn các khoản phải thu.
Từ xu hướng toàn cầu tới sự dịch chuyển của ngành tài chính Việt Nam
RWA có các ưu điểm không thể phủ nhận như tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả nhờ khả năng tự động hóa các giao dịch thông qua hợp đồng thông minh, giúp loại bỏ phần lớn trung gian, rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phát hành, thanh toán và tuân thủ; đồng thời, tăng khả năng tiếp cận và thanh khoản nhờ khả năng phân mảnh quyền sở hữu đến mức siêu nhỏ (một tài sản bất động sản trị giá hàng triệu USD có thể được chia nhỏ thành hàng ngàn token chỉ vài USD, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia) - đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển hoặc khó tiếp cận nguồn vốn chính thống.
Điều này lý giải vì sao các tổ chức tài chính hàng đầu như HSBC, Citi, ABN AMRO, Standard Chartered, hay các nhà quản lý quỹ toàn cầu như BlackRock đều đã chủ động tham gia sớm, tiến hành thử nghiệm và phát hành các sản phẩm RWA như trái phiếu, quỹ, bất động sản.
Đơn cử, JPMorgan thông qua nền tảng Kinexys đã xử lý hơn 1.500 tỷ USD giao dịch token, trung bình mỗi ngày hơn 2 tỷ USD.
Các quốc gia tiên phong như Thụy Sĩ, Singapore, UAE và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện khung pháp lý nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu vào thị trường tài sản số.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế như hạ tầng số thuận lợi (tỷ lệ người dùng Internet và điện thoại thông minh thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á), thị trường đầu tư trẻ (tầng lớp trung lưu tăng nhanh, dân số trẻ, xu hướng tiếp cận tài sản số mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận các xu thế mới), Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và hành lang pháp lý đang được hoàn thiện với tốc độ nhanh.
Việc mã hóa các tài sản như bất động sản hay cổ phần, trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp huy động vốn nhanh chóng mà còn tạo cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận các tài sản giá trị cao với số vốn nhỏ.
Lãnh đạo cấp cao một công ty chứng khoán chia sẻ: “Token hóa tài sản thực là một bước đột phá, cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn toàn cầu một cách minh bạch và hiệu quả thông qua công nghệ blockchain. Với nền tảng công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái tài chính tích hợp, chúng tôi tin rằng, việc mã hóa các tài sản như bất động sản hay cổ phần, trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp huy động vốn nhanh chóng mà còn tạo cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận các tài sản giá trị cao với số vốn nhỏ. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, doanh nghiệp cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ đáng tin cậy và tuân thủ khung pháp lý đang dần hình thành, đảm bảo an toàn và niềm tin cho nhà đầu tư”.
Có thể nói, token hóa tài sản thực không chỉ là một xu thế tài chính mới mà còn là bước chuyển mình trong cấu trúc nền kinh tế toàn cầu. Với tiềm năng mở rộng thanh khoản, tăng tính minh bạch và giảm chi phí, RWA có thể định hình lại cách con người sở hữu, giao dịch và đầu tư tài sản.
Đối với Việt Nam, đây là cơ hội mang tính lịch sử để vươn lên thành trung tâm tài chính số trong khu vực - nếu biết nắm bắt đúng thời điểm và hành động quyết liệt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường vẫn còn một số thách thức như hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, cần tăng cường giáo dục tài chính số và phổ biến kiến thức về blockchain; các quy định hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp Công nghệ số cần thời gian để triển khai vào thực tế; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư chiến lược vào lĩnh vực này.