Gỡ “nút thắt” để giải phóng nguồn lực
Gói tài khoá, tiền tệ phục hồi kinh tế được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV với quy mô 347.000 tỷ đồng, tuy nhỏ hơn so với giá trị ban đầu khoảng 445.000 tỷ đồng mà Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 (hôm 5/12), song đã giải toả được nhiều kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, có đến gần 114.000 tỷ đồng (chiếm 32,5% gói hỗ trợ) được chi cho đầu tư công, “cỗ máy tăng trưởng” của năm 2022 và là một trong ba trụ đỡ của giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (gồm đầu tư công, xuất khẩu và thu hút FDI), theo các chuyên gia.
Cũng tại kỳ họp nói trên, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 đạo luật hiện hành, trong đó có những luật tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực đầu tư công như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Mục tiêu của việc điều chỉnh luật lần này nhằm giải quyết khó khăn, ách tắc, khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thể hiện cam kết của Quốc hội về cải cách thể chế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Quốc hội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm 12 dự án thành phần, kéo dài khoảng 729 km từ Hà Tĩnh đến Cà Mau, giá trị khoảng 146.990 tỷ đồng, triển khai theo hình thức đầu tư công. Đây là tuyến đường huyết mạch, đóng vai trò tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cũng nêu trọng tâm nhiệm vụ năm nay là “Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…”, “phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công”.
Những chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm cho GDP hai năm 2020, 2021 tăng trưởng rất thấp (2,91% và 2,58%); tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2021 chỉ đạt khoảng 77,3% kế hoạch được giao (thấp hơn mức 82,66% của năm 2020).
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 5/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ xác định ba trọng tâm khôi phục kinh tế trong năm nay gồm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
"Chúng ta phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Đầu tư công sẽ dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác đối tác công tư", Phó Thủ tướng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong năm 2022, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước.
“Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã quyết nghị rõ nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện. Nếu triển khai theo đúng Nghị quyết thì sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lạc quan đón sóng
Ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, thị trường chứng khoán đã phát tín hiệu tích cực phản ứng lại những quyết sách sắp được thông qua tại kỳ họp Quốc hội bất thường kéo dài từ ngày 4/1 đến ngày 11/1.
Phiên 6/1, chỉ số VN-Index lập đỉnh mới 1.528,57 điểm nhờ sự tăng điểm của hàng loạt cổ phiếu, trong đó 38 cổ phiếu tăng trần trên sàn HOSE thuộc nhóm xây dựng và bất động sản được dự báo sẽ hưởng lợi từ đầu tư công và gói kích thích nói chung: CTD, HBC, TCH, FCN, GEX, ITA, DXG. HHS, OGC….
Mặc dù trong các ngày 10, 11, 12/1, đa số cổ phiếu giảm điểm do chịu ảnh hưởng bởi hai trận “sóng thần”, song thị trường đã nhanh chóng lấy lại tín hiệu phục hồi trong các phiên 13, 14/1.
Đáng lưu ý, gần cuối phiên giao dịch sáng 14/1, nhờ dòng vốn bắt đáy của nhà đầu tư, nhiều cổ phiếu xây dựng có nhịp hồi phục rõ nét. Mã GEX đang bị chất bán giá sàn hơn 12 triệu đơn vị bỗng được thị trường “cân lại” hết và bật tăng lên 42.200 đồng/cổ phiếu, gần mức tham chiếu. ITA cũng từ giá sàn lên giá tham chiếu nhờ giao dịch hơn 18 triệu đơn vị, HQC từ giá sàn 8.050 đồng/cổ phiếu lên giá 8.400 đồng. Tín hiệu tích cực cũng lan toả đến DLG, DIG, FCN, DRH, HAR…
Được biết, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư công. Dự kiến sẽ có 526.000 tỷ đồng dành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2022 (tăng 10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) và tăng 15 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2021.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, hơn 50.000 tỷ đồng. Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ này sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án gồm 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.
Riêng với dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải khởi công 12 dự án thành phần trong năm 2022, để kịp hoàn thành vào năm 2025.
Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM, "đầu tàu" kinh tế của cả nước, dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022. Hà Nội cũng tập trung nguồn vốn đầu tư công dự kiến khoảng 51.072, 9 tỷ đồng trong năm 2022. Tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 3.940 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.870 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của TP.Đà Nẵng là 7.880,731 tỷ đồng…
Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đạt Phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công trình giao thông, thuỷ điện cho biết, ông rất đồng tình với Quốc hội và Chính phủ trong các chính sách điều chỉnh luật và kích thích kinh tế để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng lần này.
Theo ông Tuấn, những năm trước đây, giải ngân đầu tư công của Việt Nam chưa bao giờ đạt được kế hoạch về tỷ lệ giải ngân cũng như tiến độ, nguyên nhân vì quá phiền hà thủ tục, mất nhiều thời gian. Ví dụ, với dự án cao tốc Bắc – Nam, thông thường, Thủ tướng Chính phủ phải ký duyệt hai lần để phê duyệt đề xuất dự án và chủ trương đầu tư, nếu có thay đổi thì 3 - 4 lần khiến cho quá trình chuẩn bị hồ sơ thủ tục dự án phải mất đến 2 - 3 năm, sau đó lại tiếp tục mất thời gian ở các khâu đền bù, giải phóng mặt bằng…
“Việc sửa đổi luật lần này về phân cấp phân quyền về cho các bộ ngành, địa phương để rút ngắn thời gian, thủ tục dự án là có ý nghĩa quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất để giải phóng nguồn lực đầu tư công”, ông Tuấn nói.
Cũng theo lãnh đạo Đạt Phương, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, Đạt Phương đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và nguồn lực để đón nhận cơ hội mới này. Trước đó, tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, doanh nghiệp đã trúng gói thầu xây lắp XL01 của dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng (đvt: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Nói về cơ hội của nhóm ngành hưởng lợi nhờ thúc đẩy đầu tư công, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm của nhóm ngành xây dựng.
"Dòng tiền của các công ty xây dựng tốt dần lên, thông tin về các gói trúng thầu hạ tầng xuất hiện dày hơn, đặc biệt là gói kích cầu, phục hồi kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào thúc đẩy cơ sở hạ tầng, do đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi", ông Minh nói.
Trong vòng 10 năm qua, ngành xây dựng đóng góp tỷ trọng đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam, bình quân 8%/năm. Thị trường xây dựng tại Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỷ USD trong 2020, dự kiến đạt 94,9 tỷ USD vào 2026. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8,7%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
(Báo cáo của Công ty Phân tích thị trường Mordor Intelligence)