Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế
Đặc điểm của Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới, đó là có số lượng doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước và quy mô vốn nhà nước rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Trên thế giới, chỉ một số ít quốc gia có đặc điểm như vậy, chẳng hạn Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên. Vậy mô hình quản lý vốn nhà nước như thế nào phù hợp với đặc điểm này? Nếu theo hình thức cơ quan hành chính, cơ quan này sẽ làm gì để thu hút người có trình độ quản lý tài chính, có tính chuyên nghiệp? Bên cạnh đó, một vấn đề là cơ quan này chỉ quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn, vậy vốn nhà nước ở những doanh nghiệp nhỏ hơn thì sao?
Bản chất của chuyện quản lý vốn nhà nước là về vấn đề sở hữu. Kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, tài sản tư nhân thường được quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn vốn nhà nước. Bởi thế, các quốc gia có quy mô vốn nhà nước rất lớn, ví dụ Trung Quốc, đều đang thu hẹp khu vực này. Ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế đầu tàu đều là các tập đoàn tư nhân… Trong giai đoạn tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta nên tham khảo, phân tích thận trọng, đầy đủ các mô hình để có sự lựa chọn phù hợp.
Thực tế tại Trung Quốc có thể là bài học cho chúng ta. Theo đó, dù đã thành lập Uỷ ban Quản lý, giám sát tài sản nhà nước (SASAC), nhưng hiện tại, Trung Quốc đang tính chuyện thành lập 2 công ty quản lý vốn nhà nước; một dành cho doanh nghiệp công ích, an ninh quốc phòng; một dành cho các doanh nghiệp khác.
Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế
Tổ chức quản lý vốn nhà nước cần phải có HĐQT hiệu quả, tách bạch hẳn chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường là những người kiêm nhiệm. Do đó, cơ quan quản lý vốn nhà nước nên mời các thành viên có năng lực tham gia HĐQT, việc tuyển dụng, sử dụng nhân sự phải minh bạch, theo quy chế rõ ràng.
Thông thường, cổ đông nhà nước có tiếng nói quyết định trong doanh nghiệp, cả sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên vẫn có tình trạng doanh nghiệp bị áp đặt. Để khắc phục, cần có nghị định liên quan tới quyết định của cổ đông có cổ phần phi phối, trong đó hướng dẫn cụ thể về quyền quyết định, trách nhiệm giải trình…
Bên cạnh đó, nên phân tích xem mô hình của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện tại có những ưu khuyết điểm như thế nào để rút kinh nghiệm.
TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln, Anh quốc
Cá nhân tôi ủng hộ Việt Nam nên có một tổ chức kinh doanh mạnh để quản lý tài sản nhà nước. Nhưng điều quan trọng là cần có sự tách biệt giữa yếu tố nhà nước - làm chính sách và giám sát, với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông.
Khác với các cổ đông thông thường, người đại diện cổ đông nhà nước không quản lý số tiền đầu tư thuộc sở hữu của mình. Thông lệ đơn giản nhất cho việc này là thuê người giỏi về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp làm đại diện, với mức đãi ngộ xứng đáng thay vì cử người đại diện theo hình thức hành chính.
Một tổ chức kinh doanh đúng nghĩa nhằm đầu tư, quản lý vốn nhà nước là điều cần thiết. Tổ chức này phải tách biệt khỏi vấn đề tạo lập chính sách và giám sát đặc trưng của các cơ quan nhà nước. Temasek của Singapore có thể là một ví dụ điển hình cho điều này. Vấn đề quan trọng nhất là phải tiến hành kinh doanh thực sự. Tổ chức kinh doanh đó có thể báo cáo chính phủ thông qua các chỉ tiêu về kết quả kinh doanh, từ đó đóng góp vào ngân sách nhà nước như thế nào. Tôi tin nếu Chính phủ thành lập một công ty như vậy và công khai tuyển Chủ tịch, HĐQT và Ban lãnh đạo giỏi, nhà nước sẽ giữ gìn được những tài sản tốt sinh lời bền vững.