Kiểm toán Nhà nước soi công ty có vốn Nhà nước dưới 50%

(ĐTCK) Sau nửa năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, Luật Kiểm toán mới đã nâng cao địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo tốt hơn tính minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản quốc gia.
Kiểm toán Nhà nước soi công ty có vốn Nhà nước dưới 50%

Mở rộng đối tượng kiểm toán

Theo Luật Kiểm toán nhà nước 2015, diện đối tượng kiểm toán đã được mở rộng hơn. Về cơ bản, đối tượng của kiểm toán là tài chính, tài sản công. Nhưng tình trạng tài chính, tài sản công thực tế nằm ở nhiều đơn vị rất phức tạp, nhất là trong các công ty cổ phần. Do đó, đối tượng kiểm toán không còn bó hẹp ở doanh nghiệp 100% hoặc trên 50% vốn Nhà nước mà bao gồm cả những công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, ông Trọng cho biết, với các trường hợp này, Kiểm toán Nhà nước cần xây dựng tiêu chí, lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp và hiện đang trong quá trình lựa chọn.

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, đã là tài sản công, tài chính công thì Nhà nước phải kiểm tra, kiểm soát được và đôi khi có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vốn Nhà nước chỉ vài % nhưng giá trị tuyệt đối lại lớn hơn cả 100% vốn ở những công ty nhỏ khác. Do đó, không thể căn cứ tiêu chí tỷ lệ phần trăm vốn.

Bên cạnh đó, vẫn còn ý kiến băn khoăn liệu có sự chồng chéo giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước khi khối doanh nghiệp cổ phần hình thành từ quá trình sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước vẫn phải mời kiểm toán độc lập kiểm toán hàng năm. Hơn nữa, không thể phân tách đâu là đồng vốn Nhà nước, đâu là đồng vốn tư nhân để kiếm toán riêng đối với việc sử dụng, quản lý vốn Nhà nước.

Theo ông Thanh, Kiểm toán nhà nước không phải kiểm tra toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà là kiểm tra xem vốn nhà nước nằm ở đây có an toàn không, có được sử dụng hiệu quả hay không. Trong khi, kiểm toán độc lập kiểm tra, đánh giá độ tin cậy thông tin kế toán, tài chính để nhà đầu tư có cái nhìn chính xác về hoạt động của doanh nghiệp. Kiểm toán độc lập không công khai và trình bày tất cả những sai phạm của doanh nghiệp, những nội dung này đã được trình bày trong thư quản lý. Chỉ có báo cáo ý kiến kiểm toán được công bố kèm theo báo cáo tài chính.

“Nhìn chung, nhà đầu tư có thể sử dụng hoặc không sử dụng báo cáo tài chính đã kiểm toán bởi kiểm toán độc lập và nó chỉ mang tính chất xác nhận thông tin tài chính của doanh nghệp. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, đánh giá, xác nhận và đưa ra kiến nghị; các kiến nghị này phải được công khai vì đây là kiểm toán tài sản của dân, của Nhà nước. Ở đây là kiểm toán trách nhiệm nghĩa vụ người được giao quyền quản lý sử dụng tài sản nhà nước”, ông Thanh nhận xét. 

Tăng thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

6 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 100% các báo cáo kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2015, Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2014, Báo cáo kiểm toán năm 2015. Tổng hợp kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 19.863 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 8.565 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 5.562 tỷ đồng, các khoản xử lý tài chính khác 5.735 tỷ đồng; kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 110 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Đến tháng 5/2016, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện xử lý tài chính 14.733 tỷ đồng, đạt 64,3%; đã và đang hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 45 văn bản theo kiến nghị kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước.

Ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước) nhấn mạnh, Luật Kiểm toán 2015 đã tăng thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo kiểm toán giờ đây có giá trị bắt buộc thực hiện đối với sai phạm trong việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. Với các nội dung khác như thay thế, sửa đổi văn bản, Kiểm toán có quyền kiến nghị. Như vậy, so với Luật Kiểm toán Nhà nước 2005 thì Luật mới đã trao thêm quyền cho cơ quan kiểm toán.

Nhưng cùng với đó, trách nhiệm của Kiểm toán cũng nặng nề hơn. Trước đây, Luật Kiểm toán Nhà nước 2005 không quy định về trách nhiệm giải trình nhưng Luật mới quy định rõ Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ giải trình kết quả kiểm toán đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, vì báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện nên các đơn vị được kiểm toán cũng có quyền khiếu nại và Tổng kiểm toán phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại.

Theo ông Trọng, Luật mới đã ghi nhận rõ ràng tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước. Nếu như trước đây, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ quyết định kế hoạch kiểm toán nhà nước hàng năm, báo cáo Quốc hội và Chính phủ trước khi thực hiện thì nay chỉ phải thực hiện báo cáo Quốc hội.

“Quy định này khẳng định vị trí độc lập của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Kiểm toán Nhà nước rất thận trọng, các kế hoạch đều có xin ý kiến bộ ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, từ đó tiếp thu chỉnh sửa. Tuy là độc lập nhưng Kiểm toán Nhà nước không làm việc đơn độc”, ông Trọng nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục