Thách thức mang tính sống còn của doanh nghiệp
Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP. HCM, các doanh nghiệp hiện có ba kênh huy động vốn chính, bao gồm vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động từ thị trường cổ phiếu và vốn huy động từ thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đang có mất cân đối giữa các kênh huy động vốn này, khiến các doanh nghiệp chủ yếu hướng đến nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi tiềm năng huy động vốn từ TTCK bị bỏ ngỏ, còn thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển.
Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 200 tỷ USD, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,3 tỷ USD. Sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn và sự nghèo nàn của các sản phẩm tài chính là hai trong nhiều lý do khiến thị trường vốn chưa thể lớn mạnh.
Chủ yếu trông chờ vào “cửa” ngân hàng, nhưng ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang “đói” vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng gần đây được điều chỉnh giảm, song vẫn ở mức cao và mức vay vốn hạn hẹp do doanh nghiệp thường không có tài sản thế chấp, trong khi thủ tục vay vốn phiền hà, phức tạp, với nhiều điều kiện ràng buộc vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Cơ hội tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp với nguồn tín dụng nhà nước rất hạn chế, dù đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để sản xuất - kinh doanh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cảnh báo, dòng tiền và vốn đầu tư đổ mạnh vào khu vực nhà nước khiến vốn tín dụng cho khu vực tư nhân bị thu hẹp và giá vốn vay ở mức cao là yếu tố “bóp nghẹt” doanh nghiệp, làm tăng “cơn khát” tín dụng của các doanh nghiệp.
Con số khảo sát mà Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra cho thấy, lãi suất cho vay bình quân là gần 8%/năm, gấp 2 - 3 lần so với mức lãi suất bình quân tại các nước trong khu vực. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, với mức lãi suất cao như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã ở thế yếu càng khó cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp trên thế giới.
Sẽ đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cân bằng lại thị trường tín dụng và giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp tư nhân được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo hướng nâng tín dụng cho khu vực tư nhân và giảm dần tỷ lệ dành cho khu vực nhà nước.
Theo đó, hiện nay, tỷ trọng tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 15 - 17%, tín dụng cho khu vực tư nhân đã và sẽ tiếp tục được tăng lên.
Về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh huy động vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số đề án nhằm tăng quy mô và nâng hạng thị trường, cải thiện các phương thức đấu giá, đẩy nhanh cổ phần hóa nhằm thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, góp phần tăng thanh khoản và quy mô vốn trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường UPCoM và các loại hình quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp…, nhằm tạo kênh huy động vốn đa dạng cho doanh nghiệp.