Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC cho biết, về việc phát hành 75 triệu cổ phiếu, có nhà đầu tư đưa ra mức giá tương đối tốt nhưng trước tình hình kinh doanh tốt của MPC và các năm tiếp theo, nên Công ty chưa chịu.
“Họ đã rà soát MPC và sẽ đưa ra mức giá cuối cùng trong 2 tháng tới. Đúng ra là chúng tôi đưa danh sách nhà đầu tư rồi, nhưng có một số nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ yêu cầu phải bảo mật thông tin trước khi thỏa thuận được việc mua bán. Nhà đầu tư Hàn Quốc là bên quyết liệt nhất trong chào mua”, ông Quang tiết lộ.
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư về phương án chia cổ tức, ông Quang cho biết, do các cổ đông có ý kiến khác nhau về mức chia cổ tức dự kiến ba mức 5000 - 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu.
Giải thích lý do sản lượng năm nay tăng 15%, nhưng lợi nhuận lại tăng gần gấp đôi, ông Quang phân tích, giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao hơn thế giới 15%, nhiều doanh nghiệp tôm đã chết lâm sàng trong các năm trước, nên sẽ có cạnh tranh về giá nguyên liệu. Khi giá nguyên liệu rẻ hơn công ty sản xuất sẽ có lợi.
Thứ hai, công nghệ nuôi tôm 234 mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
“Hôm rồi tôi đến thăm một hộ nuôi liên kết họ nuôi được 26 con/kg bán giá 155.000/kg. Họ cho biết, giá thành nuôi 90.000 đồng/kg. Với lợi nhuận cao như vậy, công nghệ nuôi 234 sẽ thu hút vốn đầu tư”, ông Quang dẫn chứng.
Theo thống kê, năm 2017, tỷ lệ nuôi theo công nghệ mới là 2,45% tăng lên 5% năm 2018 và 2019 dự kiến 10% hoặc hơn. Năng suất nuôi tôm công nghệ cao gấp 10 lần công nghệ cũ và tỷ lệ thành công trên 95%.
Khảo sát Ấn Độ, nước bán phá giá cạnh tranh tôm chính, vẫn nuôi theo công nghệ cũ, nên giá bán không có lời. Trước đây, giá nuôi tôm của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 20 - 30%, nhưng hiện nay có cơ hội giảm giá mua nguyên liệu bằng với Ấn Độ.
Với tinh hình nguồn cung nguyên liệu dồi dào và một số nhà máy đã đóng cửa, nên Minh Phú sẽ có lợi khi thu mua nguyên liệu. Trước đây, để có lợi nhuận MPC luôn phấn đấu tối đa hóa công suất nhà máy để giảm giá thành xuống, nên dù giá mua nguyên liệu cao, MPC vẫn có lợi nhuận tốt.